Tuan Tin Tuc

Quỹ dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

-

Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tiến hành chi trả số tiền trên 307 tỉ đồng cho các chủ rừng. Số tiền này được các chủ rừng tiếp tục chi trả cho các cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, các cộng đồng dân cư và hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập, phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn.

Ông A Ngực, thôn Đăk Rơ Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết, cộng đồng thôn Đăk Rơ Gia hiện đang nhận quản lý, bảo vệ gần 290 ha rừng tự nhiên. Sau khi nhận khoán, với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn, ông đã lập danh sách các hộ dân tham gia cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời phân công cụ thể từng hộ tham gia trực tiếp đi tuần tra, kiểm soát, phòng, cống cháy rừng. Trong đó, có 23 người thuộc 23 hộ được đưa vào đội phản ứng nhanh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô đã tiến hành chi trả cho cộng đồng thôn Đăk Rơ Gia định kỳ 3 tháng một lần, trung bình mỗi lần 45 triệu đồng. Số tiền này được cộng đồng phục vụ chủ yếu cho công tác tuần tra, kiểm soát, phòng, chống cháy rừng, làm hàng rào cản lửa,…

Thông thường, chi phí vào các hoạt động trên chiếm khoảng 50%. Số tiền còn lại được đưa vào quỹ chung của thôn để phục vụ cho các hoạt động của cộng đồng.

“Mỗi khi trong thôn có người đau ốm, hiếu hỷ, tang gia thì quỹ thôn được trích ra để thăm nom. Hàng năm, vào lễ mừng lúa mới, cũng trích quỹ ra hỗ trợ bà con. Đặc biệt, năm 2019, quỹ thôn đã góp vào làm Nhà Rông mới và giúp bà con trong thôn xây dựng lại hệ thống đường dây điện chiếu sáng, góp phần đổi mới diện mạo nông thôn”, ông A Ngực chia sẻ.

Ông Trương Đình Tuệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Trăm cho

biết, hiện nay xã có 5 cộng đồng tại các thôn Đăk Đring, Đăk Rơ Gia, Tê Pheo, Tê Peng, Đăk Trăm với tổng diện tích nhận khoán bảo vệ khoảng 50ha. Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư trên địa bàn thôn.

“Trong quá trình bảo vệ, các cộng đồng thôn nhận khoán đã phối hợp cùng tổ quản lý, bảo vệ rừng kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm lấn đất rừng, chặt phá rừng, tham gia phòng, chống cháy rừng. Từ tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân, nâng cao thu nhập, đặc biệt trong các dịp chuẩn bị năm học mới, lễ tết,…”, ông Trương Đình Tuệ thông tin thêm.

Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Quỹ đã hoàn thành việc giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng với số tiền trên 307 tỉ đồng cho các chủ rừng. Việc thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mang lại những kết quả thiết thực, tác động tích cực đến công tác quản lý , bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, huy động được sự tham gia của toàn xã hội vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, từng bước thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng.

Nhờ đó, ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư thôn và người dân về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng đã được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã tích cực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tình trạng xâm hại tài nguyên rừng trong các lưu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng được hạn chế theo từng năm, số lượng và chất lượng rừng được duy trì, ổn định và phát triển.

Theo báo cáo của các đơn vị chủ rừng, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 6 đối tượng hộ gia đình, cá nhân; 203 cộng đồng dân cư thôn; 109 nhóm hộ với tổng diện tích khoán trên 64.140 ha; tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả trên 44,3 tỷ đồng; thu nhập bình quân của mỗi hộ nhận khoán khoảng 18.324 nghìn đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 194.493 nghìn đồng/cộng đồng/năm; nhóm hộ khoảng 49.528 nghìn đồng/ nhóm hộ/năm.

“Kết quả từ việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không những từng bước cải thiện đời sống của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, nâng số nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn được nhận khoán bảo vệ rừng, mà còn huy động được một nguồn lực lớn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng một cách thường xuyên; từ đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh”, ông Hồ Thanh Hoàng nhấn mạnh.

 ?? ?? Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra diện tích rừng giao khoán.
Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra diện tích rừng giao khoán.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam