Tuan Tin Tuc

Áp lực lãi suất sau nới “room tín dụng”

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC (NHNN) ĐÃ ĐIỀU CHỈNH CHỈ TIÊU TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG, NHƯNG THEO CÁC CHUYÊN GIA KINH TẾ, ÁP LỰC LÃI SUẤT TĂNG VẪN HIỆN HỮU DO CHÊNH LỆCH TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG VÀ TIỀN GỬI.

- MINH PHƯƠNG

CHƯA THỎA MÃN “CƠN KHÁT” VỐN

Theo TS Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, NHNN đã “nới room” cho các ngân hàng, nhưng Việt Nam đang đứng trước sức ép của lạm phát, nên tỷ lệ nới room phân bổ cho các ngân hàng không nhiều. Do vậy nguồn cung ứng tín dụng vào nền kinh tế vẫn hạn chế so với nhu cầu để phục hồi. Nếu không khơi thông được dòng chảy vốn, kết quả phục hồi sẽ khó đạt kỳ vọng.

Đại diện các ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết sẽ tập trung vốn vào lĩnh vực ưu tiên. Vietcomban­k là một trong những ngân hàng được thị trường kỳ vọng có dư địa tăng trưởng cao nhất, vừa được nới thêm 2,7% so với mức trần cũ là 15% (tương đương có thêm hạn mức khoảng 32.000 tỷ đồng cấp cho nền kinh tế). Như vậy, hạn mức tín dụng mới cả năm của ngân hàng này là 17,7%. Hết tháng 8/2022, Vietcomban­k đã tăng trưởng tín dụng 14,7% so với đầu năm. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành của Vietcomban­k cho biết: Ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát, tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tốt thanh khoản, rủi ro tín dụng, đảm bảo nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp.

“Cùng với tập trung cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng VIB dự định tăng cho vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe và tập trung tăng trưởng thẻ tín dụng, nhằm kích thích nhu cầu chi tiêu của người dân, qua đó tạo sức tiêu thụ cho các sản phẩm của doanh nghiệp”, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB cho biết.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng: Năm nay, các ngân hàng Việt Nam tương đối khó khăn, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải hỗ trợ để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, đây là định hướng đề ra từ đầu năm, đến nay NHNN vẫn đang kiên định với mục tiêu đó.

ÁP LỰC LÃI SUẤT, TỶ GIÁ VẪN LÀ HIỆN HỮU

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tin tốt là với hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán, nền kinh tế tăng trưởng; tin xấu là cung tiền tăng do việc nới room tín dụng sẽ tác động đến tỷ giá và lãi suất.

Đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng: Áp lực mất giá hiện tại của đồng VND chủ yếu do đồng USD lên giá, trong khi Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, lãi suất thực còn dương và thặng dư thương mại. Do đó, BVSC duy trì dự báo, với sức mạnh nội tại cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của NHNN, đồng VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.

Các chuyên gia của SSI Research chia sẻ, sau khi hạn mức tín dụng được nới, áp lực tăng lãi suất huy động từ nay tới cuối năm là hiện hữu do chênh lệch tăng trưởng tín dụng - tiền gửi hiện ở mức cao và tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể không còn dồi dào nếu đầu tư công bắt đầu được đẩy mạnh. SSI Research kỳ vọng lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5 - 0,7 điểm cơ bản sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm 2022, lãi suất huy động kỳ vọng tăng 1 1,5%.

Theo NHNN, lãi suất huy động trong thời gian qua tăng 0,25% và lãi suất cho vay tăng 0,24%, đây là mức tăng thấp nhất so với tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Hiện mức lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ từ 7,9 - 9,3%, kể cả dư nợ cũ và dư nợ mới; lãi suất huy động bình quân từ 6,3 - 6,8% đối với kỳ hạn trên 1 năm.

Thực tế, đặc điểm của ngân hàng là cho vay ngắn hạn, trong khi khách hàng lại có hướng vay trung dài hạn. Trong khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 37% xuống 34% kể từ ngày 1/10 tới cũng sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng. Nợ xấu có khả năng gia tăng trong thời gian tới khi doanh nghiệp kinh doanh còn nhiều khó khăn. Điều đó đòi hỏi ngân hàng phải huy động thêm vốn, tăng thanh khoản. Hiện nay, NHNN đã có kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ so với 10 năm trước nên lãi suất sẽ không tăng nhanh và mạnh kiểu đột biến như năm 2011.

Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc điều hành lãi suất của ngân hàng Trung ương lúc này phải được tính toán rất chặt chẽ. Bài toán đặt ra lúc này là vừa kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ được nền kinh tế. Do đó, chính sách tiền tệ vẫn phải điều hành hết sức linh hoạt. “Với các ngân hàng thương mại, biến động tăng nhẹ lãi suất cả huy động và cho vay trong thời gian gần đây vẫn trong tầm kiểm soát, thấp nhất so với các nước trong khu vực. Lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ ở mức 7,9 - 9,3%,lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức khá ổn định”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định.

 ?? ?? Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo, đồng VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo, đồng VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam