Tuan Tin Tuc

Sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh nhiễm virus Adeno

- TẠ NGUYÊN

TRƯỚC TÌNH HÌNH GIA TĂNG CA NHIỄM VIRUS ADENO, BỘ Y TẾ ĐÃ CHỈ ĐẠO CÁC BỆNH VIỆN TUYẾN TRUNG ƯƠNG VÀ CÁC CƠ SỞ Y TẾ TĂNG CƯỜNG SÀNG LỌC, PHÁT HIỆN SỚM, PHÂN LOẠI CA BỆNH, BỐ TRÍ THÊM GIƯỜNG ĐIỀU TRỊ, HỖ TRỢ TUYẾN DƯỚI ỨNG PHÓ VỚI BỆNH.

Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện đã tổ chức phân luồng, cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Adeno hoặc các trường hợp các xác định nhiễm virus Adeno. Các đơn vị có khám bệnh trong Bệnh viện tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, chỉ định xét nghiệm xác định căn nguyên phù hợp; kê đơn và hướng dẫn chăm sóc đối với bệnh nhi nhẹ, bệnh nhi điều trị ngoại trú.

Để đảm bảo điều trị, bệnh viện đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm virus Adeno nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng. Các bệnh nhi nằm viện được chăm sóc và điều trị tại khu vực riêng, không phải nằm ghép, đảm bảo mỗi trẻ một giường bệnh. Phòng bệnh thông thoáng, khoảng cách giữa các giường bệnh phù hợp, theo quy định; hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Dựa trên việc tổng hợp các số liệu về dịch tễ học, lâm sàng và các kết quả điều trị

thực tế, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chủ động xây dựng và cập nhật phác đồ điều trị các ca nhiễm virus Adeno theo mức độ nặng- nhẹ của bệnh, giúp mang lại hiệu quả cao và rút ngắn thời gian điều trị cho trẻ.

Bệnh viện cũng đã xây dựng tiêu chuẩn nhập viện và chuyển tuyến dưới đối với người bệnh virus Adeno tại các khoa lâm sàng. Cụ thể, tiêu chuẩn nhập viện điều trị với trẻ viêm phổi nhiễm virus Adeno gồm một trong các tiêu chuẩn như: Khó thở (thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản); suy hô hấp hoặc giảm oxy máu (tím tái, chỉ số SpO 2 < 94%); bệnh nhân có dấu hiệu toàn thân nặng như: Nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng; có bệnh lý nền nặng (bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch

nặng…); có tổn thương trên X-quang phổi…

Tiêu chuẩn để chuyển tuyến dưới điều trị trẻ viêm phổi nhiễm virus Adeno điều trị ổn định gồm: Không suy hô hấp (SpO2 từ 94% trở lên, không tím tái); giảm khó thở; hết sốt; ăn được bằng đường miệng; các rối loạn nặng đã được kiểm soát.

Bên cạnh việc tổng hợp, thông báo về Bộ Y tế tình hình trẻ nhiễm virus Adeno; Bệnh viện Nhi Trung ương cũng phối hợp với các bệnh viện tuyến dưới; tổ chức tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị virus Adeno cho các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời phối hợp phân loại, chuyển tuyến dưới điều trị những trường hợp bệnh nhi đủ điều kiện.

Trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương rà soát, điều tra, phân tích dịch tễ học các trường hợp mắc, tử vong do virus Adeno tại Bệnh viện Nhi Trung ương, kịp thời báo cáo và đề xuất các giải pháp phòng chống.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống bệnh do virus Adeno. Đồng thời, ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch do virus Adeno, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, để đáp ứng tình hình số lượng ca nhập viện do nhiễm virus Adeno tăng cao, Sở Y tế

Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm virus Adeno. Các đơn vị thực hiện tốt công tác phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, trong trường hợp phát sinh lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh, phải tiến hành xử lý quyết liệt.

Các đơn vị tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến giữa các bệnh viện trong ngành y tế Hà Nội trong công tác điều trị người bệnh nhiễm virus Adeno. Với các trường hợp diễn biến nặng có suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng… cần được hội chẩn tích cực, chuyển viện, chuyển tuyến lên tuyến thành phố hoặc tuyến Trung ương đảm bảo an toàn người bệnh.

Các đơn vị cũng tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức cho người bệnh, gia đình người bệnh về các khuyến cáo phòng, chống lây nhiễm bệnh do virus Adeno để chủ động thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm.

Sở Y tế Hà Nội cũng giao các đơn vị: Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm), Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (chuyên khoa đầu ngành Nhi khoa) tiếp tục cập nhật kiến thức chẩn đoán, phòng, điều trị bệnh nhân nhiễm virus Adeno cho các đơn vị trong ngành.

Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình bệnh do virus Adeno, đánh giá tình hình, nguy cơ tiến triển thành dịch, tham mưu cho Sở Y tế để có giải pháp phù hợp.

 ?? ?? Trẻ bị nhiễm virus Adeno nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trẻ bị nhiễm virus Adeno nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam