Tuan Tin Tuc

Nỗi ám ảnh nhà vệ sinh trường học

- BÀI, ẢNH: ĐAN PHƯƠNG

NHỮNG NĂM QUA, NHÀ VỆ SINH TẠI NHIỀU TRƯỜNG HỌC Ở TP HỒ CHÍ MINH ĐÃ ĐƯỢC ĐẦU TƯ VÀ CẢI THIỆN, NHƯNG VẪN LÀ NỖI ÁM ẢNH CỦA PHỤ HUYNH VÀ HỌC SINH. THEO CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ VỆ SINH TRONG TRƯỜNG HỌC KHÔNG ĐẢM BẢO SẼ ẢNH HƯỞNG LỚN ĐẾN SỨC KHỎE HỌC SINH, CŨNG LÀ NGUYÊN NHÂN GÂY CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM. HỆ LỤY TỪ NHÀ VỆ SINH TRƯỜNG HỌC BẨN

Mỗi lần đón con gái từ trường về nhà, chị Nguyễn Thị Hạnh (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) thường thấy con bỏ cặp xách chạy thẳng vào nhà vệ sinh. Chị Hạnh cho biết: “Con tôi ngày nào đi học về cũng than thở nhà vệ sinh trong trường rất bẩn nên không dám đi vệ sinh ở trường. Vì thế, mặc dù có nhu cầu nhưng bé thường nhịn, chờ tan học về nhà mới đi. Trong kỳ họp phụ huynh vừa rồi, tôi cũng có ý kiến với nhà trường là cần phải dọn dẹp nhà vệ sinh sạch sẽ hơn”.

Còn chị Trần Thúy Điểm (TP Thủ Đức) cho biết, may mắn nhà vệ sinh trường học của con chị đang theo học khá sạch sẽ. Tuy nhiên, thấy con kể thỉnh thoảng nhà vệ sinh trong trường không có nước rửa tay. “Dù nhà vệ sinh trường học sạch nhưng không có nước rửa tay sau khi đi vệ sinh khiến tôi khá lo lắng, bởi không phải lúc nào nhà trường cũng thiếu nước nhưng chỉ một lần trẻ đi vệ sinh không được rửa tay sạch sẽ cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh về tiêu hóa”, chị Điểm nói.

Mới đây, theo khảo sát của Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh, có 14,4% ý kiến phụ huynh phản ánh tình trạng nhà vệ sinh trường học bẩn, chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh. Theo đó, phụ huynh đề nghị nhà trường quan tâm nhiều hơn nữa đến nhà vệ sinh trường học.

Theo các bác sĩ, nhà vệ sinh bẩn là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây ra các bệnh đường tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm phát triển. Sử dụng và tiếp xúc nhà vệ sinh bẩn, nhà vệ sinh không an toàn, không sạch sẽ, trẻ có nguy cơ mắc nhiều bệnh

đường tiêu hóa như tiêu chảy, kiết lị hoặc tay chân miệng, nhiễm trùng da... Sau khi đi vệ sinh, trẻ không có nước rửa tay cũng dễ mắc bệnh liên quan đến tiêu hóa; không có xà phòng rửa sau khi đi vệ sinh còn khiến trẻ dễ lây nhiễm siêu vi gây nhiễm trùng đường ruột, mắc bệnh ngoài da. Nhà vệ sinh bẩn còn là môi trường thuận lợi cho động vật trung gian mang virus, vi khuẩn như ruồi, muỗi, chuột... phát triển, mang mầm bệnh lây lan ra bên ngoài.

TS.BS Hà Văn Thiệu, quyền Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, thời gian qua tại khoa Tiêu hóa của bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ bị táo bón đến khám và điều trị. Qua tìm hiểu, đa số phụ huynh cho biết trẻ không dám đi vệ sinh trong trường vì sợ nhà vệ sinh bẩn.

Theo bác sĩ Thiệu, trẻ em phải được khuyến khích đi vệ sinh và phải được khuyến cáo là uống nước sau khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, hiện nay có thực trạng nhiều trẻ trong độ

tuổi đi học ít uống nước hoặc không uống nước vì sợ uống nước nhiều phải đi vệ sinh. Hay khi mắc đi vệ sinh, trẻ thường nín nhịn, việc này có thể dẫn đến táo bón ở trẻ.

NHÀ VỆ SINH KHÔNG ĐẠT CHUẨN, THIẾU NHÂN SỰ PHỤC VỤ

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong trường không thể để nhà vệ sinh mà học sinh không dám vào, học sinh phải nín nhịn nhu cầu của bản thân thì sẽ dẫn đến một số bệnh sau này và sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các em. Chính vì vậy, trong thời gian qua thành phố rất quan tâm ưu tiên đầu tư nhà vệ sinh trong trường học và năm nào cũng có nguồn kinh phí sửa chữa nhà vệ sinh.

“Kinh phí hàng năm dành cho sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh trong trường học không thiếu, quy mô số bồn vệ sinh/ học sinh cũng vậy, nhưng khó khăn hiện nay là thiếu nhân sự phục vụ, lau chùi nhà vệ

sinh sạch sẽ”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, quy mô trường lớp tại TP Hồ Chí Minh rất lớn, có trường lên đến 3.000 - 4.000 học sinh, nhưng việc tuyển nhân sự làm vệ sinh gặp khó khăn. Trong các vị trí việc làm trong trường học như kế toán, văn thư, thủ quỹ, y tế học đường, nhà trường chỉ được tuyển 2 biên chế, nếu trường có quy mô trường lớp lớn thì được tuyển 3 biên chế, còn lại tuyển dụng theo hợp đồng. Đây là một trong những khó khăn của trường khi tuyển dụng nhân viên làm vệ sinh. Để giải quyết vấn đề này, hiện các trường vận động nguồn kinh phí từ phụ huynh học sinh để thuê người dọn nhà vệ sinh.

Theo ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, nâng cao chất lượng nhà vệ sinh trong trường học là một nhu cầu rất cấp bách. Qua khảo sát của Hiệp hội, chất lượng nhà vệ sinh tại Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, về kỹ thuật và tiêu chuẩn nhà vệ sinh vẫn còn nhiều hạn chế, như quy trình xây dựng hệ thống đối lưu không thông thoáng, sử dụng các vật liệu kiên cố, bít kín, gây bám bẩn. Bên cạnh đó, có những nơi sử dụng bồn vệ sinh ngồi xổm…

Thực tế, nhà vệ sinh công cộng tại TP Hồ Chí Minh đã “văn minh” hơn, nhưng do vẫn sử dụng quy chuẩn cũ, xây dựng chưa đúng về kỹ thuật về diện tích, vật liệu xây dựng… nên một số nhà vệ sinh trong trường học vẫn còn mùi hôi, vi khuẩn bám bẩn. Do đó, cần phải có một quy chuẩn về nâng cấp chất lượng công nghệ xử lý và quản lý vận hành nhà vệ sinh.

Về giải pháp nâng cấp chất lượng nhà vệ sinh, ông Lê Văn Hiệp đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và Bộ Y tế cần có sự phối hợp xây dựng quy chuẩn tổng quan nhà vệ sinh trường học. Bên cạnh đó, giải pháp hiệu quả nhất hiện nay chính là từ nguồn xã hội hóa bởi chờ vào ngân sách thì rất lâu. Trong trường học, xã hội hóa có thể vận động từ phụ huynh học sinh hoặc từ các nguồn tài trợ khác trong nhà trường.

Trong hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm 2023, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 20232025, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường khi xây dựng dự toán chi ngân sách năm 2023 cần ưu tiên kinh phí cho chống thấm dột, chống lún, chống ngập, sửa chữa nhà vệ sinh đảm bảo yêu cầu sạch sẽ, đúng quy chuẩn và đủ về số lượng.

 ?? ?? TP Hồ Chí Minh ưu tiên kinh phí cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh trong trường học, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
TP Hồ Chí Minh ưu tiên kinh phí cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh trong trường học, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam