Tuan Tin Tuc

Dành trọn tâm huyết cho những đứa trẻ thiệt thòi

- Bài, ảnh: TẠ NGUYÊN

Suốt 20 năm qua, bà Đỗ Thúy Nga đã chèo lái Trung tâm Hy Vọng (Kim Mã, Đống Đa, Hà Nội, thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Hà Nội) trở thành nơi gửi gắm, dạy dỗ những đứa trẻ không may khuyết tật về trí não.

Ở tuổi 80, độ tuổi nhiều người đã mắt mờ, chân chậm nhưng bà Đỗ Thúy Nga vẫn đau đáu, thương yêu những đứa trẻ thiệt thòi. Cuộc sống khi về già của bà là gắn bó với những mảnh đời, với tiếng cười, tiếng khóc, tiếng ngọng nghịu của những đứa trẻ.

Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, sau 10 năm làm bác sĩ nhi khoa, bà Nga về công tác tại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, rồi làm cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình.

“Từ y khoa, khi chuyển sang làm công tác giáo dục, tôi nhận thấy có nhiều học sinh nhận thức chậm hơn bình thường, nhiều cháu ngồi im, ít tương tác khiến tôi chú ý. Tôi luôn để điều đó trong đầu, và thấy những trẻ này cần phải được giáo dục trong môi trường đặc biệt hơn. Từ đó, tôi luôn mong ước có một cơ sở nào đó tiếp nhận trẻ em bị khuyết tật, chăm sóc các em kỹ càng hơn, dạy dỗ các em những điều đơn giản hơn bình thường”, bà Đỗ Thúy Nga cho biết.

Năm 2002, sau khi nghỉ hưu, bà Nga đã biến ước mơ thành hiện thực. Được con gái lớn cho mượn mảnh đất 60m2 cạnh nhà, bà Nga quyết định biến nơi đây thành địa điểm nuôi dạy trẻ thiệt thòi. Kể từ đó, căn nhà ở số 4, ngách 82/189 ngõ 290 Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội) đã trở thành địa chỉ để nhiều gia đình gửi gắm con em bị khuyết tật.

Với kinh nghiệm vừa là bác sĩ, vừa là nhà giáo, bà Nga trực tiếp cùng các cô giáo chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Truyền tai nhau, các gia đình có con em bị khuyết tật đã tìm đến trung tâm. Không chỉ ở khu vực Hà Nội, trung tâm còn nhận trẻ từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Lào Cai… Được nuôi dạy đúng cách, trẻ đến đây dần học được kỹ năng sống, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đến nay, biết bao lớp trẻ đã được dạy dỗ, được hòa nhập với cuộc sống bình thường, nhiều cháu coi trung tâm như ngôi nhà của mình, là nơi để trở về.

“Cả tôi và các giáo viên ở đây luôn coi trung tâm là ngôi nhà chung, đoàn kết thương yêu lẫn nhau, có như vậy mới thương yêu được học sinh của mình”, bà Đỗ Thúy Nga chia sẻ.

 ?? ?? Bà Đỗ Thúy Nga bên những đứa trẻ khuyết tật.
Bà Đỗ Thúy Nga bên những đứa trẻ khuyết tật.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam