BÀI 1: Mắc kẹt trong đền bù, giải tỏa
SAU HƠN 8 NĂM THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2013, BÊN CẠNH NHỮNG MẶT TÍCH CỰC, CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI HIỆN HÀNH VẪN CÒN BỘC LỘ NHIỀU HẠN CHẾ, VƯỚNG MẮC VỀ CÁC CHÍNH SÁCH THU HỒI VÀ ĐỀN BÙ ĐẤT NÔNG NGHIỆP, ẢNH HƯỞNG KHÔNG NHỎ ĐẾN ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN Ở NÔNG THÔN.
MÒN MỎI CHỜ CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ
Mặc dù đã thực hiện thu hồi đất nông nghiệp hơn 10 năm để thực hiện dự án đầu tư xây dựng chuyển giao tuyến đường trục phía Nam, dự án khu đô thị Thanh Hà A, B-Cienco 5 ở huyện Thanh Oai (TP Hà Nội), nhưng những người dân ở xóm Thượng, xã Cự Khê vẫn mòn mỏi đợi chờ các chính sách đền bù thoả đáng để họ sớm ổn định cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Sâm (người bị thu hồi đất), ngụ ở xóm Thượng, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai cho biết, nhiều hộ dân đang chờ đất dịch vụ để tái định cư, nhưng 10 năm qua vẫn chưa nhận được. Các khu đất Bách Hộ, Đồng Trong... mặc dù được người dân bàn giao từ năm 2008, nhưng đến nay có chỗ chủ đầu tư, doanh nghiệp vẫn bỏ hoang dẫn đến cỏ mọc um tùm, trở thành nơi chứa rác thải.
Tương tự, để phục vụ việc xây dựng Thủy điện Bản Vẽ, gần 3.000 hộ dân ở huyện Tương Dương (Nghệ An) đã phải di dời khỏi vùng lòng hồ. Tuy nhiên, theo văn bản số 1174/CV-NLĐK ngày 16/3/2005 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) về quy định bồi thường thiệt hại di dân tái định cư và quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Bản Lải (nay là thủy điện Bản Vẽ), thì các hộ chỉ được đền bù phần đất đai, tài sản dưới mức cốt ngập (dưới cao trình 200m), còn phần diện tích trên cốt ngập không được đền bù. Trong khi đó, người dân di dời về huyện Thanh Chương cách xa nơi ở cũ gần trăm km không thể quay về sản xuất. Mặt khác, phần lớn diện tích này đã được địa phương đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ. Vì vậy, về pháp lý, người dân đã được nhà nước giao đất nhưng trên thực tế người dân không được sản xuất canh tác.
Những bất cập trong việc bồi thường di dân tái định cư Thủy điện Bản Vẽ đã được chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị lên cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay những nội dung này vẫn chưa được giải quyết. Người dân được Nhà nước giao đất nhưng nay chưa được thu hồi, bồi thường, khiến cơ quan chức năng không có cơ sở bù trừ chênh lệch nơi đến nơi đi, khiến quyền lợi người dân không được đảm bảo. Ngoài ra, những phần diện tích này cũng không thể giao cho các hộ dân trên địa bàn trông coi, quản lý vì về pháp lý diện tích này đã được Nhà nước giao đất.
VƯỚNG CHO CHỦ ĐẦU TƯ
TP Hồ Chí Minh là địa bàn có nhiều diện tích đất đền bù từ thu hồi đất nông nghiệp. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, việc thu hồi và đền bù đất nông nghiệp ở nông thôn đang còn vướng mắc như: Biên độ giá đất khu vực nông
thôn quy định còn rộng, dẫn đến nhiều khu vực giá đất nông nghiệp chưa sát với thực tế; chính sách thu thuế từ các hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê… chưa rõ ràng, chưa đồng bộ với quy định của Luật Đất đai năm 2013… Ngoài ra, việc miễn, giảm tiền thuế sử dụng đất đối với đất nông nghiệp được triển khai từ nhiều năm, nhưng tình trạng ruộng bị bỏ hoang, không canh tác gây lãng phí nguồn lực, trong khi nhiều chủ đầu tư không thuê được đất để đầu tư canh tác. Điều này cho thấy, cơ chế khuyến khích tài chính đối với đất nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, phần lớn các nhà đầu tư đều muốn tiếp cận nguồn lực đất đai thông qua đấu giá, đấu thầu, bởi trong 20 năm qua, nhà đầu tư ngày càng khó thương lượng với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhất là đối với các
diện tích đất cuối cùng trong khu vực dự án do các thửa đất này thường thuộc về giới “đầu nậu”, giới “đầu cơ” đất đai đứng đằng sau người sử dụng đất. Ví dụ, một dự án bất động sản cao cấp hơn 7 ha tại TP Thủ Đức chỉ vướng 2% diện tích đất do chủ đất gây khó. Do đó, cho đến khi phải bồi thường với giá “khủng”, dự án đã bị bất động 9 năm.
Dự án khu đô thị mới Bình Trưng Đông - Cát Lái, quy mô 254 ha do Công ty Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư cũng trong tình cảnh tương tự. Chỉ vì không bồi thường được cho chủ một số thửa đất mà bị “đứng hình” suốt 20 năm qua, dẫn đến 14 doanh nghiệp chủ đầu tư và hàng trăm khách hàng góp vốn bị mắc kẹt.
Theo ông Châu, Nghị quyết số 18 chủ trương “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất” là định hướng lâu dài, đúng đắn. Do đó, cần phải có lộ trình để tổ chức phát triển quỹ đất, trong đó có trung tâm phát triển quỹ đất cấp tỉnh dần đủ năng lực hoạt động và tích lũy được nguồn lực tài chính để bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, theo giá thị trường, tái định cư thỏa đáng cho người dân. Toàn bộ chênh lệch địa tô được thu về ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng nên dễ được người dân đồng tình, đồng thuận vì toàn bộ chênh lệch này không chỉ rơi vào túi tư nhân.
Ông Lê Hoàng Châu cũng chỉ ra điều bất cập là trong nhiều năm qua do nguồn lực tài chính của Nhà nước và năng lực của trung tâm phát triển quỹ đất cấp tỉnh có hạn, nên Nhà nước không thể giải phóng mặt bằng để tạo lập đủ quỹ đất, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án để lựa chọn nhà đầu tư. Thể hiện rất rõ là trong nhiều năm qua, chỉ có rất ít khu đất được Nhà nước đưa ra đấu giá, đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Bài 2: Doanh nghiệp nông nghiệp khó tiếp cận đất đai