Phát triển mô hình AI hỗ trợ điều trị ung thư da
Các nhà khoa học tại Phần Lan và Mỹ đã phát triển một mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mới, được kỳ vọng sẽ giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả căn bệnh ung thư da.
Mô hình trên do các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Helsinki, Trung tâm Nghiên cứu ung thư toàn diện của Bệnh viện Đại học Helsinki (HUS), Đại học Aalto và Đại học Stanford (Mỹ) phối hợp thực hiện.
Trong báo cáo nghiên cứu đăng trên Nature Communications Journal ngày 12/10, trường Đại học Helsinki cho biết mô hình AI trên giúp chẩn đoán ung thư da bằng xét nghiệm máu, tiên lượng diễn biến bệnh lý và dự đoán khả năng thích ứng của bệnh nhân đối với liệu pháp miễn dịch.
Việc tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, hay còn gọi là “liệu pháp miễn dịch”, đã được chứng minh là đặc biệt hiệu quả trong điều trị bệnh ung thư da. Tuy nhiên, liệu pháp này cho thấy mức độ hiệu quả khác nhau ở các nhóm bệnh nhân khác nhau.
Chuyên gia Jani Huutanen của trường Đại học Helsinki cho biết: “Nghiên cứu trước đây đã không thể cung cấp cho các bác sĩ những công cụ có thể dự đoán bệnh nhân nào sẽ thích hợp với liệu pháp miễn dịch. Trong khi đó, việc sử dụng đúng liệu pháp là vô cùng quan trọng, do điều trị bằng thuốc rất tốn kém và các tác dụng phụ nghiêm trọng tương đối phổ biến”.
Sử dụng mô hình AI do các trường đại học Phần Lan phát triển và một mô hình khác do Đại học Stanford phát triển, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu bệnh phẩm từ 500 bệnh nhân ung thư da và so sánh chúng với mẫu của khoảng 1.000 người khỏe mạnh. Họ đã tính toán số lượng tế bào miễn dịch có thể nhận biết ung thư da và phát hiện ra rằng, tế bào miễn dịch nhận biết ung thư da xuất hiện ở những bệnh nhân bị u ác tính nhiều hơn ở những người khỏe mạnh.
Nhóm nghiên cứu kết luận, những bệnh nhân có nhiều tế bào phòng thủ phát hiện ung thư da sẽ phù hợp để điều trị với liệu pháp miễn dịch hơn là những trường hợp thiếu các tế bào này.