Tuan Tin Tuc

BÀI 3: Làm rõ quy định về ngân hàng đất đai

- THU TRANG - HOÀNG TUYẾT

MỘT TRONG NHỮNG ĐIỂM MỚI TẠI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI LÀ QUY ĐỊNH VỀ NGÂN HÀNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP NHẰM HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG ĐẤT ĐAI BỊ BỎ HOANG GÂY LÃNG PHÍ, TRONG KHI CÁC DOANH NGHIỆP THÌ LẠI THIẾU ĐẤT ĐỂ SẢN XUẤT. QUY ĐỊNH TRÊN ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ SẼ THÁO GỠ NHIỀU VƯỚNG MẮC HIỆN NAY, TUY NHIÊN, CÒN NHIỀU VẤN ĐỀ CẦN PHẢI LÀM RÕ. MÔ HÌNH MỚI

Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật Đất đai bổ sung Điều 106 quy định về ngân hàng đất nông nghiệp. Theo đó, ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Đơn vị này có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.

Hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước…

Kinh phí hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp được cấp từ ngân sách nhà nước; ứng từ quỹ phát triển đất hoặc quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác được ủy thác; vay từ các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để thực hiện việc tạo lập quỹ đất quy định tại khoản 2 điều này.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, có thể hiểu đề xuất này là khi người sử dụng đất nông nghiệp không muốn trồng trọt trên đất, họ có thể đem giấy chứng nhận đấy gửi vào ngân hàng. Ngân hàng có nhiệm vụ tập hợp đất ấy để cho thuê với doanh nghiệp nông nghiệp. Mô hình này đã thành công ở các nước và nổi bật là Nhật Bản. Mô hình này sẽ góp phần giải quyết vấn đề lớn nhất của đất nông nghiệp hiện nay là bỏ hoang đất.

Ngân hàng đất này tạo ra được cơ chế giúp người dân khi đi làm các công việc phi nông nghiệp thì khi quay lại vẫn có thể có đất để làm nông nghiệp. Thậm chí như thời điểm COVID-19 diễn ra, làn sóng công nhân trở về vẫn có tư liệu sản xuất để mưu sinh.

Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, mô hình ngân hàng đất nông nghiệp thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, góp phần khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp.

“Khi đó, người nông dân có đất nhàn rỗi, thay vì bỏ hoang thì họ cho thuê vào ngân hàng đất nông nghiệp. Ngân hàng này cho các doanh nghiệp thuê lại và trích từ tiền đó trả cho người nông dân. Như vậy, người nông dân vẫn giữ được đất, đồng thời có thêm thu nhập từ mảnh đất của mình, doanh nghiệp cũng có đất đai để sản xuất lớn. Khi người nông dân cần lấy lại đất thì họ có thể lấy lại. Việc này cũng tương tự như việc người có tiền nhàn rỗi thì gửi tiết kiệm vậy”, ông Tuyến nói.

NHIỀU VẤN ĐỀ CẦN LÀM RÕ

Dù là giải pháp tốt, tuy nhiên, theo GS Đặng Hùng Võ, ở Việt Nam cần nhiều thời gian để làm quen với mô hình này.

Bên cạnh đó, khi xây dựng khung pháp lý phải làm rõ về quyền và nghĩa vụ của ngân hàng đứng ra nhận gửi đất nông nghiệp, để không làm thiệt thòi các bên. Ngân hàng đất nông nghiệp nên là doanh nghiệp xã hội, hoạt động phải đảm bảo nguồn lợi phù hợp, không làm lãng phí đất đai, nhưng cũng không thể làm tăng gánh nặng cho ngân sách.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, cần phải làm rõ cơ quan nào quản lý ngân hàng đất nông nghiệp. “Theo quy định, ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều khoản này lại chưa đề cập cụ thể hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp có chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng không? Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền thành lập ngân hàng đất nông nghiệp? Hoạt động của ngân hàng này có chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước hay chịu sự quản lý nhà nước của bộ, ngành nào? Đây là vấn đề mà Ban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung”, GS.TS Phạm Quang Tuyến nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Tuyến, dự thảo luật quy định ngân hàng đất nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp, vậy tạo lập bằng cách nào? Ngân hàng đất nông nghiệp độc lập với hệ thống ngân hàng thương mại, được thành lập từ trung ương, đến cấp tỉnh, huyện, hay chỉ thành lập ở những địa phương có nhiều đất nông nghiệp?

Đồng tình với góp ý trên, Giám đốc Trung tâm nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Chính sách Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TS. Nguyễn Anh Phong cho rằng, cần bổ sung Khoản 2, Điều 12 dự thảo Luật về chức năng ngân hàng đất nông nghiệp như ngân hàng có chức năng trao đổi quyền sở hữu các thửa ruộng nằm cách xa nhau để các chủ đất chỉ sở hữu một mảnh đất với diện tích lớn; chức năng cho thuê lại đất được nhận ủy thác của người sở hữu đất nông nghiệp; cung cấp các khoản vay ưu đãi cho những người muốn thuê và mua đất nông nghiệp…

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chính sách này sẽ huy động được đất từ hộ nông dân không có nhu cầu sử dụng chuyển cho đơn vị có thể tận dụng đất tốt hơn, đất chuyển từ người có sang người cần.

“Nhưng chuyển sang mô hình này cũng đối mặt rất nhiều thách thức, ai sẽ là người đứng ra thực hiện vai trò trung gian? Việc tập trung đất cũng phải có cam kết, hợp đồng, chẳng hạn người dân gửi đất vào ngân hàng tối thiểu phải trong 5-10 năm thì người tổ chức đất sản xuất mới có đủ thời gian tổ chức sản xuất hiệu quả… Đây sẽ là thách thức lớn cho việc thực hiện, tránh lạm dụng thành hình thức gom đất cho một số người, sử dụng đất vì mục đích khác, trái với quy định của nhà nước. Vì vậy, tôi nghĩ cần có lộ trình từng bước phát triển chế định này”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bài 4: Quản lý theo cơ chế thị trường có định hướng

 ?? ?? Nông dân gieo cấy lúa tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Nông dân gieo cấy lúa tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam