Tuan Tin Tuc

Bất cập trong chuyển đổi, quy hoạch đất trồng lúa tại TP Hồ Chí Minh

- XUÂN ANH

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐANG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 5 NĂM, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 ĐỂ PHÙ HỢP VỚI KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC GIA. TUY NHIÊN, VIỆC BỐ TRÍ ĐẤT THEO MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG NHIỀU NƠI CHƯA PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ, ĐẶC BIỆT LÀ CHUYỂN ĐỔI, QUY HOẠCH ĐẤT LÚA Ở MỘT SỐ QUẬN, HUYỆN.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, để phù hợp với kế hoạch sử dụng đất quốc gia trong giai đoạn mới, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của thành phố và làm căn cứ cho các quận, huyện, thành phố Thủ Đức lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm, TP Hồ Chí Minh đã thuê đơn vị tư vấn lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Mục tiêu đề ra của kế hoạch là đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố đi vào nề nếp và đúng pháp luật; đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đại diện đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch cho biết, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 của thành phố được triển khai theo phương pháp tiếp cận hai chiều (vĩ mô và vi mô) với sự tham gia của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Các đối tượng của kế hoạch sử dụng đất được đặt trong mối quan hệ tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực và yếu tố tác động như điều kiện tự nhiên; kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu; các chỉ tiêu, định hướng phát triển của các ngành; hiện trạng, xu hướng biến động sử dụng đất, kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất kỳ trước; các quy hoạch, kế hoạch của các ngành có sử dụng đất.

Theo số liệu thống kê đất đai đến cuối năm 2020, diện tích tự nhiên của TP Hồ Chí Minh là 209.539,40 ha, chiếm 0,63% diện tích của cả nước và chiếm khoảng 8,90% tổng diện tích đất tự nhiên khu vực Đông Nam Bộ. Hiện tại, phần lớn diện tích tự nhiên đã được đưa vào khai thác sử dụng cho các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, đất nông nghiệp 111.874,56 ha, chiếm 53,39% tổng diện tích tự nhiên; đất phi nông nghiệp 96.634,19 ha, chiếm 46,12%; đất chưa sử dụng 1.030,65 ha, chiếm 0,49%.

Liên quan đến phân bổ diện tích đất trồng lúa, chỉ tiêu Chính phủ giao cho TP Hồ Chí Minh đến cuối năm 2020 là 3.000 ha. Trên thực tế, toàn thành phố vẫn còn 15.585,55 ha đất trồng lúa, chiếm 13,93% diện tích đất nông nghiệp, tập trung chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn; thành phố Thủ Đức, quận Bình Tân. Giai đoạn 2015 - 2020, Chính phủ cho phép TP Hồ Chí Minh chuyển 13.261 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp. Kết quả thực hiện đến năm 2020 mới chuyển được 310 ha (đạt 2,34% so với chỉ tiêu).

Với định hướng phát triến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực; kế hoạch sử dụng đất 2021-2025 dự kiến chuyển 6.054,55 ha đất trồng lúa sang sử dụng vào các mục đích nông nghiệp khác và phi nông nghiệp.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố là đô thị lớn, có tốc độ đô thị hóa cao, nhiều khu vực được quy hoạch đất lúa hiện không còn phù hợp. Đất lúa sản xuất thực tế chỉ còn chủ yếu ở huyện Củ Chi và một số ít ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, đến năm 2025 ngay cả những vùng trồng lúa của Bình Chánh, Hóc Môn cũng sẽ thu hẹp hơn, trong khi đó theo quy hoạch ở một số quận nội ô như Bình Thạnh, Gò Vấp đến năm 2025 vẫn còn đất lúa là không hợp lý. Nếu giữ quy hoạch đất lúa như hiện nay Sở không biết phân bổ diện tích đi đâu, trong khi nhiều diện tích đất bị quy hoạch đất trồng lúa không thể chuyển đổi dẫn đến lãng phí.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh thông tin, theo kế hoạch sử dụng đất 2021 - 2025 được đề xuất thì diện tích đất lúa trên địa bàn Bình Chánh tăng gấp đôi so với giai đoạn 2015 - 2020 là không khả thi bởi nhiều khu vực đất lúa đã không còn đủ điều kiện thuỷ lợi để canh tác, sản xuất lúa không đạt hiệu quả kinh tế cho người dân. Ngược lại, quá trình đô thị hoá và gia tăng dân số, Bình Chánh đang có nhu cầu tăng diện tích đất ở. Thực tế hiện nay diện tích đất ở nông thôn của Bình Chánh đã lên tới 1.200ha, tuy nhiên phân bổ trong kế hoạch 2021 - 2025 chỉ có 800ha. Vì vậy, Bình Chánh kiến nghị điều chỉnh giảm diện tích đất lúa và tăng diện tích đất ở nông thôn sát với điều kiện và nhu cầu thực tế tại địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất.

 ?? ?? TP Hồ Chí Minh khó khăn trong việc chuyển đổi, quy hoạch đất trồng lúa thành đất đô thị.
TP Hồ Chí Minh khó khăn trong việc chuyển đổi, quy hoạch đất trồng lúa thành đất đô thị.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam