Tuan Tin Tuc

HÌNH PHẠT CHỐN ĐÔNG NGƯỜI

- THUỲ HƯƠNG

Gần đây, dư luận bức xúc trước thông tin một phụ huynh tại Hà Tĩnh cầm dao vào trường, bắt Hiệu trưởng quỳ xin lỗi. Nguyên do là trong giờ chào cờ, vị hiệu trưởng đã yêu cầu 2 con của phụ huynh kia đứng lên trước toàn trường, bởi gia đình chưa nộp tiền bảo hiểm.

Chính vì lý do này mà dư luận bên cạnh việc lên án hành vi bạo lực, coi thường luật pháp của phụ huynh; thì cũng rất bức xúc với cách hành xử thiếu nhân văn với học sinh của vị hiệu trưởng.

Trước đó, khoảng năm 2020, tại Châu Đốc, một nữ sinh đã tự tử khi bị giáo viên yêu cầu viết bản kiểm điểm để đọc trước toàn trường.

Lùi về trước một vài năm, dư luận choáng váng về thông tin một cô giáo tại Quảng Bình bắt cả lớp tát bạn học 231 cái vào má đến mức nhập viện vì học sinh này mắc lỗi.

Dù xảy ra tại nhiều nơi, với những nạn nhân ở lứa tuổi, khối lớp khác nhau, nhưng những sự việc trên có một điểm chung: Đều xuất phát và lên tới đỉnh điểm khi các học sinh bị công khai làm mất danh dự trước đông người.

Chắc hẳn trong chúng ta, những người từng trải qua thời cắp sách tới trường, đều biết tới các hình phạt “đứng góc lớp”, “phê bình trước tập thể”, “bêu tên trước toàn trường”… Cảm xúc khi “được nhận” các hình phạt ấy, chắc ai từng bị, có lẽ cũng chưa quên.

Ở góc độ nào đó, những hình phạt công khai có tác dụng “nhớ đời” với các học sinh vi phạm, và có ý nghĩa răn đe đối với những đối tượng khác. Nhưng ở góc độ khác, hình phạt đó khiến lòng tự trọng trong mỗi học sinh bị đưa ra thách thức. Cảm giác ê chề trước đông người có thể khiến người phạm lỗi không dám tái phạm, nhưng cũng có thể khiến trẻ lì lợm hơn.

Vậy là thay vì đánh thức các phẩm chất tốt đẹp, trong đó có lòng tự trọng của mỗi cá nhân học sinh, những hình phạt trước tập thể lớp, trước toàn trường lại đè bẹp lòng tự trọng, và nếu nhiều lần thì vô hình trung lại thành rèn rũa khả năng “bất chấp”. Hình phạt chốn đông người như vậy, rõ ràng phản tác dụng, và ở mức độ nào đó, không nhân văn khi gây nên tổn thương tâm lý trong những học sinh tự trọng, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên, khi các em đang hình thành nhân cách và xây dựng “cái tôi” cá nhân. Có thể ví von: Dù không hà khắc như hình phạt “ném đá đến chết” thời xa xưa ở một số quốc gia, nhưng việc bị chĩa mũi dùi trước tập thể, cũng độc ác không kém. Bởi có thể có những cá nhân bị vượt ngưỡng chịu đựng, tiếp tục đẩy sự việc đi xa hơn, thậm chí đến mức đáng tiếc hơn như có hành vi bạo lực khác, hay đau lòng là tự huỷ hoại bản thân.

Có lẽ vì lưu tâm tới những đặc điểm lứa tuổi học trò và nâng niu sự phát triển nhân cách của các em, nên tại những môi trường giáo dục tiên tiến, hầu như các hình thức trách phạt hay kỷ luật đều được diễn ra riêng tư giữa nhà trường và các học sinh vi phạm. Việc trao đổi góp ý với phụ huynh về đặc điểm của học sinh cũng được thực hiện giữa giáo viên với từng gia đình. Với trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm của các nhà giáo, nhà trường là nơi đào tạo kiến thức và giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh. Chắc chắn, đối với học sinh phạm lỗi, hình thức phê bình, kỷ luật này sẽ thấm thía hơn, thay vì tạo nên những vết thương tâm lý sâu sắc trong thời đi học của các em.

Bởi những tổn thương về tâm lý vốn giống như bức tường bị đóng đinh. Dù đinh nhổ đi rồi, dấu vết vẫn còn in hằn rất lâu về sau nữa…

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam