Tuan Tin Tuc

“Giữ lửa nghề” cho nhà giáo

-

ĐÃ CÓ HƠN 16.000 GIÁO VIÊN NGHỈ VIỆC GẦN 2 NĂM QUA TRÊN CẢ NƯỚC. VẬY NGÀNH GIÁO DỤC ĐÃ VÀ ĐANG LÀM GÌ ĐỂ GIÁO VIÊN CÓ THỂ TRỤ VỮNG VỚI NGHỀ, YÊN TÂM CỐNG HIẾN?

“GÁNH NẶNG” TRÊN VAI NHÀ GIÁO

Một ngày làm việc của cô Nguyễn Hồng Chuyên (giáo viên một trường mầm non tư thục tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 12 giờ đêm.

Cô Chuyên chia sẻ, hai năm đại dịch, cô còn trụ vững với nghề là một kỳ tích bởi cô đã trải qua nhiều công việc khác nhau để duy trì cuộc sống. “Lúc đại dịch, được nhà trường đóng bảo hiểm cho là quá tốt rồi nên tôi cũng như đồng nghiệp phải chủ động kiếm công việc làm thêm. Lúc thì cung cấp thực phẩm sạch từ quê lên thành phố. Khi dịch tạm lắng, trường học chưa mở cửa thì trông trẻ theo nhu cầu của phụ huynh”.

Mặc dù, trở lại được với nghề với mức lương 5 triệu đồng/tháng nhưng sống ở thành phố nhiều khoản chi phí, cô Chuyên vẫn phải làm thêm, như bán hàng online và đan móc đồ chơi để có tiền trang trải cho cuộc sống..

Bên cạnh áp lực từ tiền lương, những áp lực từ môi trường dạy học cũng khiến không ít giáo viên căng thẳng.

Cô Lương Mai Trang (giáo viên dạy tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Gánh nặng của giáo viên còn là gánh nặng thành tích của nhà trường. Soạn giáo án theo chuẩn, tập huấn, thi bài giảng trong nhà trường… Có những

công việc không mang lại hiệu quả giáo dục mà chỉ khiến chúng tôi không có thời gian cho chính bản thân cũng như gia đình”.

Thêm vào đó, nhiều nhiệm vụ ngoài chuyên môn khác cũng khiến không ít nhà giáo bị quá tải. Vụ việc gần đây tại Hà Tĩnh, khi nhà trường phải nhận thêm nhiệm vụ thu phí bảo hiểm y tế của học sinh là một ví dụ.

Là một giáo viên trẻ và là đại biểu Quốc hội, cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ cho rằng: “Con số về số lượng giáo viên, nhiều nhất là giáo viên mầm non là vấn đề rất đáng báo động. Nếu với mức lương không đáp ứng được cuộc sống, các cô giáo mầm non khó có thể chuyên tâm công tác, sau giờ học, các cô còn phải tiếp tục làm thêm các công việc khác để mưu sinh”.

Cô Hà Ánh Phượng đánh giá: “Nhiều lúc như vậy sẽ không đảm bảo sức khỏe và thời gian để tự học và phát

triển chuyên môn trong khi việc tự học và phát triển chuyên môn là hoạt động rất quan trọng tại các trường, nhất là trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới đang diễn ra ở các cấp”.

Bên cạnh đó, cô Hà Ánh Phượng cũng nêu thực trạng: “Có những giáo viên nghỉ việc không phải chỉ vì lương thấp. Có thể còn do nhiều áp lực khác hoặc có nhiều điều hấp dẫn ngoài kia hơn là công việc họ đang làm. Điều đó đang xảy ra với nhiều thầy cô giáo giỏi muốn thay đổi định hướng của bản thân và những áp lực vô hình gần đây”.

THÊM CHÍNH SÁCH CHO GIÁO VIÊN

Để cải thiện tình hình này, ngành giáo dục cần tham mưu đề xuất chính sách tiền lương và môi trường làm việc, khối lượng công việc được giao đúng trọng trách, nhiệm vụ của giáo viên. Tạo những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, cơ hội để giáo viên có thể phát huy năng lực sáng tạo.

Đại biểu Hà Ánh Phượng khẳng định: “Môi trường làm việc trong đó có phát huy sự sáng tạo, chính sách tiền lương và phụ cấp, các chính sách khuyến khích giáo viên gắn bó lâu năm với nghề”.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng giáo viên nghỉ việc nhiều trong hai năm qua. Trong số các nguyên nhân, có vấn đề về lương, có vấn đề về áp lực công việc, môi trường làm việc, có cả vấn đề liên quan tới một bộ phận giáo viên không đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Một số giáo viên phản ánh họ được đào tạo đơn môn nhưng phải dạy tích hợp, nên không đủ tự tin để đứng lớp.

“Ngành giáo dục chắc chắn sẽ phải đối mặt với chuyện này, cần phải phân tích thật kỹ những vấn đề về lương, điều kiện, môi trường làm việc để đưa ra các giải pháp cụ thể. Ngành giáo dục phải tham mưu cho Chính phủ có ngay biện pháp để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên”, bà Mai Hoa nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, bộ sẽ rà soát các văn bản, thể chế, chính sách, trong đó vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách để giải quyết được đời sống cho giáo viên, với tinh thần “có thực mới vực được đạo”.

“Đó là điều chúng tôi đang đề xuất và kiến nghị”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng quan tâm đến giải pháp cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên. Đặc biệt, về phía nhà giáo, về phía xã hội, về phía phụ huynh, ông mong có được sự chia sẻ, đồng hành cả hai phía. Nhà giáo cũng rất cố gắng, tiên trách kỷ, hậu trách nhân, nhưng về phía xã hội, về phía phụ huynh cũng thực sự chia sẻ và sự chia sẻ này sẽ tốt cho con em chúng ta.

Theo số liệu từ Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2021 đến tháng 8/2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển hoàn toàn ra khỏi ngành giáo viên. Trong đó, hơn 10.000 giáo viên công lập và hơn 5.800 giáo viên các trường dân lập. Phân theo cấp học, mầm non có hơn 6.000 giáo viên nghỉ việc, trong đó công lập là hơn 2.000 và dân lập hơn 3.000 giáo viên. Đây là bậc học có số lượng giáo viên nghỉ nhiều nhất.

 ?? ?? Cô giáo Phạm Thị Hương, giáo viên tiếng Anh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Thàng Tín (Hoàng Su Phì, Hà Giang) phải dạy kiêm nhiệm cả khối THCS và tiểu học.
Cô giáo Phạm Thị Hương, giáo viên tiếng Anh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Thàng Tín (Hoàng Su Phì, Hà Giang) phải dạy kiêm nhiệm cả khối THCS và tiểu học.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam