Tuan Tin Tuc

Siết chặt an toàn thực phẩm trong trường học

SAU VỤ VIỆC HÀNG TRĂM HỌC SINH TRƯỜNG HỘI NHẬP QUỐC TẾ ISCHOOL NHA TRANG (TỈNH KHÁNH HÒA) BỊ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM, TRONG ĐÓ CÓ 1 HỌC SINH TỬ VONG GÂY CHẤN ĐỘNG DƯ LUẬN, VẤN ĐỀ KIỂM TRA AN TOÀN THỰC PHẨM Ở TRƯỜNG HỌC LẠI "NÓNG".

-

TRUY XUẤT RÕ NGUỒN GỐC

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố tổ chức 900 đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm của 4.493 bếp ăn tập thể trường học và khu công nghiệp. Qua đó, các đoàn kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ sở với số tiền 132 triệu đồng.

TP Hồ Chí Minh cũng lập hơn 800 đoàn kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó xử phạt gần 20 cơ sở không đảm bảo chất lượng.

Tại Hà Nội, trong tháng 10/2022, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ). Trung bình mỗi ngày có 450 học sinh ăn bán trú. Kiểm tra các suất ăn cung cấp cho học sinh và qua thực đơn, đoàn kiểm tra tiếp tục truy xuất tại đơn vị cung ứng suất ăn cho nhà trường. Qua kiểm tra trên thực tế tại cơ sở cung ứng suất ăn, đoàn kiểm tra đã phát hiện không ít tồn tại,

như: Bếp ăn của cơ sở chưa bảo đảm quy trình một chiều, không có lưới chống côn trùng…

Ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội cho biết: “Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi quan tâm đến đơn vị, nhà cung cấp vi phạm những nội dung trong hợp đồng cũng như nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Chúng tôi sẽ yêu cầu đình chỉ các đơn vị cung cấp thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ”.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Hà Nội, cơ quan chức năng trên địa bàn quận thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất việc cung cấp, chế biến suất ăn tại các trường học. Qua đó, các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra hồ sơ hành chính, hồ sơ pháp

lý của cơ sở, điều kiện an toàn thực phẩm, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm...; đồng thời tiến hành lấy các mẫu, như: Rau, thịt, tôm, cá… gửi đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để đánh giá chất lượng. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, quận đã đánh giá được thực trạng cũng như điều kiện của các trường, từ đó có biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn thực phẩm tốt nhất cho học sinh.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường học trên địa bàn đã thành lập và duy trì hoạt động của tổ tự giám sát an toàn thực phẩm, có phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để kiểm tra, giám sát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm được đưa vào bếp ăn trường học. Đồng thời, các trường phải thực hiện việc công khai nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm và bản cam kết an toàn thực phẩm.

TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT

Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT, cho biết, các quy định về tổ chức bữa học đường rất nghiêm ngặt, từng khâu, từng bước.Với trường tổ chức nấu ăn bán trú tại chỗ, Bộ quy định khu vực bếp ăn bán trú phải sắp xếp theo nguyên tắc một chiều, trong đó 3 khu vực: tiếp nhận, sơ chế thực phẩm, chế biến thực phẩm, đồ ăn đã được nấu chín chia riêng biệt.

Với thực phẩm, nguyên liệu nấu cần có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của bên cung cấp và kiểm tra chất lượng, độ tươi nguyên, nhiệt độ theo từng lô hàng thực phẩm, bao gồm kiểm soát nhiệt độ chuẩn trong quá trình vận chuyển do nhà cung cấp thực hiện.

Đồ ăn đã được nấu chín, Bộ GD&ĐT quy định: “Các trường bắt buộc phải lưu mẫu 24 giờ tất cả món ăn trong ngày tại bếp ăn để phục vụ việc truy xuất nguyên nhân nếu gây ra sự cố an toàn thực phẩm”

Với những cơ sở giáo dục thuê đơn vị cung cấp suất ăn bán trú ngoài, Bộ GD&ĐT quy định các cơ sở giáo dục ký hợp đồng với các cơ sở, đơn vị doanh nghiệp có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cung cấp thức ăn cho học sinh. Việc vận chuyển thức ăn, lưu mẫu đều được kiểm soát chặt chẽ từng khâu như nấu ăn tại trường.

Hiện nay các trường thực hiện lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú theo 3 cách: đấu thầu, chỉ định thầu hoặc lựa chọn dựa trên ý kiến đồng thuận của ban giám hiệu, phụ huynh, tuỳ vào quy định của từng địa phương, từng trường học.

Dù được quy định rất nghiêm ngặt nhưng thực tế thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc trong trường học. Điều này khiến dư luận hoang mang và câu hỏi về kẽ hở trong giám sát bữa ăn học đường. Bởi câu chuyện bữa ăn bán trú có vấn đề không phải diễn ra lần đầu. Mỗi năm học, cả nước chứng kiến hàng trăm vụ học sinh ngộ độc thực phẩm. Có nơi nhiều phụ huynh phát hiện bữa ăn bán trú có giòi trên khay thức ăn, có thể là do thùng xe vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau. Nên chăng, các đơn vị liên ngành cần kiểm tra quyết liệt hơn với những bữa ăn học đường để tránh gây hậu quả đáng tiếc.

 ?? ?? Một bữa ăn trưa của học sinh Trường mầm non Hoa Sen (Cầu Giấy, Hà Nội).
Một bữa ăn trưa của học sinh Trường mầm non Hoa Sen (Cầu Giấy, Hà Nội).

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam