Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp đồng bào Kon Tum thoát nghèo
Năm 2011, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum bắt đầu triển khai giao khoán rừng. Đến nay, đơn vị đã giao cho hơn 3.300 hộ dân, 62 cộng đồng dân cư và 107 đơn vị chủ rừng, với tổng diện tích giao trên 378.000 ha. Sau 11 năm, từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo.
Đắk Tăng là xã vùng núi đặc biệt khó khăn của huyện 30a Kon Plông. Toàn xã có 476 hộ, với 1.780 khẩu, khoảng 98% là đồng bào Xê Đăng. Tỷ lệ hộ nghèo của xã trước đây luôn ở mức cao. Hiện nay, xã có khoảng 100 hộ thuộc hai thôn Vi Rô Ngheo và Đắk Prô nhận quản lý bảo vệ hơn 10.000 ha rừng.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết, khi nhận quản lý, bảo vệ rừng, người dân được tham gia các buổi tập huấn, tuyên truyền từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum. Qua đó, nhận thức của người dân được nâng lên, không còn xảy ra tình trạng phá rừng khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Khi được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, đã giúp bà con có động lực để quản lý, bảo vệ rừng, thường xuyên đi kiểm tra diện tích rừng được giao khoán. Ngoài ra, bà con đã sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng đầu tư vào sản xuất, giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm theo từng năm, hiện còn ở mức dưới 30%.
“Trong những năm qua, bà con trên địa bàn xã Đắk Tăng đã quản lý bảo vệ rừng rất tốt, tiền dịch vụ môi trường rừng được nhận rất lớn. Khi nhận tiền, người dân thường đầu tư mua trâu, gà, vịt hay cây con giống khác để phát triển chăn nuôi, khiến đời sống được nâng lên. Nhiều hộ còn tham gia chính sách trồng rừng thì mua cây dổi hay các loại cây lâm nghiệp khác để trồng phát triển kinh tế hộ gia đình”, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết thêm.
Đơn cử, từ năm 2014, gia đình ông A Hiển (thôn Vi Rô Ngheo, xã Đăk Tăng) nhận quản lý, bảo vệ gần 30ha rừng tại tiểu khu 410. Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm ông được nhận hơn 20 triệu đồng. Nhận được tiền, gia đình dành một ít để chi tiêu sinh hoạt, còn lại tích lũy mua trâu về chăn nuôi, phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình ông đã phát triển đàn trâu lên hơn 30 con, trị giá trên 400 triệu đồng. Từ chỗ là hộ nghèo, gia đình ông đã vươn lên thành hộ khá giả, xây được nhà khang trang, có tiền nuôi các con ăn học.
“Bà con ở đây khi nhận tiền dịch vụ môi trường rừng về thì cũng đều trích tái đầu tư sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Rồi khi có điều kiện kinh tế thì mọi người lại tham gia cùng đóng góp để xây dựng đường giao thông trong thôn, làm công trình nước sạch để sử dụng. Mình cũng mới bán bớt trâu, dồn vào xây được ngôi nhà trị giá hơn 250 triệu đồng”, ông A Hiển vui vẻ nói.
Theo thống kê, toàn tỉnh Kon Tum hiện có 3.335 hộ, 62 cộng đồng dân cư và 107 chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, UBND các xã tham gia nhận khoán quản lý và bảo vệ trên 378.000 ha rừng. Riêng trong năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thực hiện việc chi trả số tiền hơn 307,6 tỷ đồng cho các đối tượng nhận khoán trông coi bảo vệ rừng. Mỗi hộ bình quân nhận được hơn 10 triệu đồng/ năm và cộng đồng dân cư là hơn 90 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, Kon Tum là tỉnh nghèo và nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đã giúp các chủ rừng có điều kiện duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn hiện nay; các hộ gia đình có nguồn thu cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo, qua đó huy động được đông đảo nhân dân tham gia bảo vệ rừng.
“Các công ty lâm nghiệp họ khó khăn và khi được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thì họ có thêm kinh phí để duy trì bộ máy là một, thứ hai là có thêm nguồn đầu tư thêm trang thiết bị để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Riêng người dân được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng thì đã thấy rõ trong những năm qua, đời sống được nâng lên. Tôi hi vọng thời gian tới, việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ được thực hiện hiệu quả hơn nữa, và nếu được như vậy thì chắc chắn rừng sẽ được giữ vững, độ che phủ rừng sẽ cao hơn”, ông Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.