Tuan Tin Tuc

Hiệu quả từ kinh tế đồi rừng

Gỗ rừng trồng hiện có vai trò hết sức quan trọng trong các nguồn cung gỗ nguyên liệu cho ngành gỗ. Tuy nhiên, phát triển gỗ rừng trồng đang vướng một số tồn tại cần có giải pháp tháo gỡ.

- BÀI, ẢNH: LÊ SƠN Nghịch lý gỗ rừng trồng

TẠI CÁC VÙNG TRỒNG RỪNG LỚN, KINH TẾ ĐỒI RỪNG ĐANG CHO THẤY HIỆU QUẢ RÕ RỆT Ở NHỮNG VÙNG RỪNG TRỒNG CHỦ LỰC, GÓP PHẦN THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG NGƯỜI NÔNG DÂN.

“THẮNG” LỚN VỚI RỪNG CÓ “CHỨNG CHỈ”

“Năm ngoái, giá keo chỉ 900.000 đồng, năm nay do nhu cầu nguyên liệu tăng cao, giá lên tới 1 - 1,2 triệu đồng/ tấn nên bà con rất phấn khởi”, ông Nguyễn Hoàng Lân trưởng nhóm FSC Cây Thị ở thôn 1, xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) vui vẻ chia sẻ khi dắt tôi tham quan một phần vùng rừng rộng tới 145 ha của nhóm hộ dân trồng rừng theo Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững thông qua liên kết với công ty của Nhật Bản.

“Nhóm của tôi có 45 hộ tham gia làm chứng chỉ FSC với diện tích rừng 145ha, trong đó riêng gia đình tôi có 68ha keo lai. Khi mới tiếp cận FSC, chúng tôi cũng rất bỡ ngỡ. Nhưng qua các cuộc tập huấn của công ty, chúng tôi cũng hiểu, trồng rừng theo FSC, cái được lớn nhất là bảo vệ môi trường, sức khỏe cho chính người trồng rừng vì chúng tôi phải đảm bảo nguyên tắc bảo hộ lao động; không được sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục FSC cho phép; khi phát tỉa cây rừng, không đốt tràn lan, mà phải gom lại để đốt”, ông Lân cho biết.

FSC là một trong hai hệ

thống chứng chỉ đạt Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững dành cho vùng nguyên liệu rừng trồng được công nhận trên thế giới. Theo đó, những hộ nông dân ở xã Đức Sơn liên kết với Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam (khu công nghiệp VSIP, xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) đều phải tuân thủ 10 nguyên tắc FSC.

Cụ thể, 10 nguyên tắc đó bao gồm: Tuân thủ pháp luật và các quy định của tổ chức FSC; Tuân thủ quyền và nghĩa vụ với việc quản lý và sử dụng tài nguyên rừng; Tuân thủ quyền và lợi ích của người bản địa sinh sống; Tuân thủ các mối quan hệ và lợi ích của người lao động; Đảm bảo được các lợi ích từ nguồn tài nguyên rừng; Phải có kế hoạch giám sát và quản lý cụ thể; Thực hiện việc giám sát và đánh giá thường xuyên; Bảo tồn những cánh rừng có giá trị cao; Bảo vệ các cánh rừng đang được nuôi trồng.

Theo ông Lân, một trong những nguyên tắc đầu tiên khi tham gia FSC là chủ rừng phải có tư cách pháp nhân, có hồ sơ đăng ký pháp lý rõ ràng, còn hiệu lực và được phê duyệt bằng văn bản bởi một cơ quan có thẩm quyền đối với các hoạt động quản lý rừng.

Đáng chú ý, tham gia các nhóm FSC, ông Lân và các thành viên được Công ty Biomass hỗ trợ giống keo tốt, đảm bảo đầu ra ổn định với cam kết thu mua cao hơn giá thị trường 10 - 15%. Ông Lân cho biết, diện tích rừng keo 6 năm tuổi của ông có thể đạt năng suất 140 - 150 tấn/ha.

Tuy vậy, việc tuân thủ các tiêu chí rừng bền vững cũng đòi hỏi ý thức và cả nỗ lực rất lớn từ chính các hộ trồng rừng. Theo đó, các hộ dân FSC Cây Thị thay vì chỉ trồng rừng 4 - 5 năm là thu hoạch như trước, thì khi chuyển sang trồng rừng bền vững, để đáp ứng yêu cầu sinh khối, cây rừng phải trồng tối thiểu 7 năm mới được thu hoạch. Tuy thời gian kéo dài, nhưng bù lại, khối lượng gỗ sẽ cao gấp 3 -4 lần so với trước đây, cùng với mức giá cam kết thu mua của doanh nghiệp, người dân sẽ có lợi nhuận cao gấp từ 1,5 - 2 lần so với trước.

MỤC TIÊU 500.000 HA RỪNG CÓ “CHỨNG CHỈ”

Ông Nguyễn Xuân Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT) thông tin: Năm 2021, cả nước có gần 14,68 triệu ha rừng, trong đó rừng đặc dụng 2,17 triệu ha; rừng phòng hộ 4,68 triệu ha; rừng sản xuất 7,82 triệu ha. Nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung phục vụ chế biến gỗ được khai thác khoảng 3,69 triệu ha từ rừng trồng sản xuất.

Về phát triển rừng trồng gỗ lớn, cả nước có 489.016 ha rừng trồng gỗ lớn. Trong đó các tỉnh miền núi phía Bắc có 325.927 ha; đồng bằng Bắc Bộ 1.017 ha; các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ 121.698 ha; Duyên hải Nam Trung Bộ 14.040 ha; Tây Nguyên: 4.545 ha; Đông Nam Bộ 21.525 ha và vùng Tây Nam Bộ 262 ha.

Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng giai đoạn 2021 - 2025, ngành đặt mục tiêu đạt tốc độ gia tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0 - 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18 - 20 tỷ USD; tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 35 triệu m³/năm vào năm 2025; đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản; chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 0,5 triệu ha giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập, lúc này cần chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu hiện đang ở mức 5 - 6 triệu m³ mỗi năm như hiện nay.

Theo đó, tương tự như cách làm của Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam tại Nghệ An, nhiều mô hình doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VINAFOR) đã có những diện tích rừng đạt FSC, các doanh nghiệp như Woodsland, NAFOCO, Scancia Pacific kết hợp với các hộ trồng rừng ở Tuyên Quang, Yên Bái, Thanh Hóa, Đồng Nai... đã đạt chứng chỉ FSC.

Liên kết hiện được coi là có tiềm năng nâng cao lợi ích kinh tế cho các hộ trồng rừng, ổn định nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho các công ty chế biến, tạo ra chuỗi giá trị mà theo đó, các bên phát huy tốt hơn thế mạnh của mình, tạo sự phát triển rừng bền vững.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam hiện có 53 đơn vị trồng rừng với 226.429 ha rừng đạt chứng chỉ FSC và 54.529 ha rừng đạt chứng chỉ VFCS/PEFC.

 ?? ?? Liên kết với doanh nghiệp trồng rừng, nông dân Nghệ An yên tâm về đầu ra của sản phẩm.
Liên kết với doanh nghiệp trồng rừng, nông dân Nghệ An yên tâm về đầu ra của sản phẩm.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam