Tuan Tin Tuc

Nắng nóng, mưa nhiều, sốt xuất huyết càng lan rộng

Hiện tại, miền Bắc đã vào mùa nắng nóng, mưa nhiều. Đây là điều kiện để muỗi sinh sôi, gây nguy cơ cao về dịch sốt xuất huyết.

- > TẠ NGUYÊN

GIA TĂNG SỐ CA MẮC

Những ngày gần đây, anh Nguyễn Văn Trung (Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thấy con đi học về với nhiều nốt mẩn do bị muỗi đốt ở trường.

“Trao đổi với các phụ huynh, tôi được biết các cháu đến trường thường xuyên bị muỗi đốt. Chúng tôi phản ánh với nhà trường và được biết từ đầu năm đến nay, trường đã phun thuốc diệt muỗi 3 lần. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng sớm nên nhiều muỗi hơn năm trước, phun không xuể”, anh Trung chia sẻ.

Cũng theo anh Trung, năm trước, lớp của con anh có tới 7 cháu cùng mắc sốt xuất huyết, cháu phải nằm viện điều trị cả tuần.

Cùng mối lo lắng về sốt xuất huyết, chị Vũ Ánh Lê (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) khi thấy muỗi phát sinh, đã tìm thuê dịch vụ phun thuốc diệt muỗi trong nhà. Năm ngoái, nhà chị có 2 người bị mắc sốt xuất huyết khá nặng.

“Phun thuốc để nhà mình không có muỗi, nhưng tôi vẫn lo ngại muỗi từ các khu vực xung quanh bay vào nhà; nếu có mầm bệnh sốt xuất huyết thì rất khó tránh”, chị Lê lo lắng.

Tại Hà Nội, những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã có khoảng 592 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng

hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Từ tháng 3 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận rải rác các ca bệnh, tuy chưa có ổ dịch phức tạp nhưng nguy cơ dịch gia tăng là rất lớn.

Tại các tỉnh, thành phố dịch sốt xuất huyết cũng đang có dấu hiệu tăng. Tại TP Hồ Chí Minh, giữa tháng 4, dù chưa tới mùa mưa nhưng các bệnh viện lớn đã tiếp nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng từ nhiều tỉnh lân cận chuyển đến. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh dự báo, thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn sẽ tiếp tục gia tăng.

Tại Đồng Nai, đến nay đã ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên trong năm 2024. Tỉnh Đồng Nai đang khẩn trương tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.

Ông Hoàng Minh Đức, Cục

trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Hiện Việt Nam đang lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue gây sốt xuất huyết là: D1, D2, D3 và D4; riêng trong năm 2023 và đầu năm 2024, tuýp D2 lưu hành là chủ yếu.

Vì có 4 tuýp virus Dengue lưu hành nên mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết tới 4 lần. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue lây lan qua véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn. Vì vậy ngành y tế liên tục khuyến cáo người dân vệ sinh nơi ở, diệt bọ gậy, phòng muỗi đốt để tránh lây lan dịch sốt xuất huyết.

ĐỀ CAO CÔNG TÁC PHÒNG BỆNH

TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đánh giá: “Ngay những tháng đầu năm, tại Hà Nội và một số tỉnh,

thành phố đã gia tăng ca mắc sốt xuất huyết. Có dịch sốt xuất huyết tức là muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) đã sinh sôi và phát tán mầm bệnh”.

Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết là loại muỗi sống trong nhà. Muỗi phát sinh phát triển phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, lượng mưa. Cụ thể, nhiệt độ càng cao thì muỗi càng sinh sôi, phát triển nhanh; đặc biệt mưa càng nhiều thì càng có môi trường để muỗi đẻ trứng, sinh ra các ổ bọ gậy và phát triển thành muỗi.

Nếu nhiệt độ môi trường khoảng 25 - 27 độ C thì vòng đời của muỗi là khoảng 2 tuần; nếu trên 35 độ vòng đời của muỗi rút ngắn lại chỉ khoảng 1 tuần. Khi nhiệt độ càng cao, vòng đời rút ngắn lại thì tốc độ đẻ của muỗi sẽ nhiều hơn, mật độ sẽ dày hơn.

“Vì vậy, trong năm, khoảng từ tháng 4, khi trời bắt đầu có nhiều mưa thì muỗi bắt đầu phát sinh, phát triển mạnh; đến khoảng tháng 6, tháng 7, đàn muỗi đã khôi phục lại số lượng (sau thời gian giảm do mùa đông lạnh) thì dịch sốt xuất huyết bắt đầu cao hẳn. Kể cả khi trời lạnh, số lượng muỗi cũng sẽ giảm chứ không hết ngay. Đây là lý do muỗi vẫn tồn tại quanh năm và khi còn mầm bệnh thì vẫn còn gây dịch sốt xuất huyết”, TS. Nguyễn Văn Dũng cho biết.

Về việc phun hóa chất diệt muỗi, theo TS. Nguyễn Văn Dũng, muỗi vằn thường không đậu trên tường, mà chủ yếu đậu ở các góc tối, hay treo quần áo; nên việc phun hóa chất diệt muỗi lên tường không thể hiệu quả.

“Mấu chốt của phòng dịch sốt xuất huyết là không để phát sinh các ổ bọ gậy làm phát sinh muỗi. Để phòng bệnh sốt xuất huyết phải diệt bọ gậy chứ không phải chạy theo phun thuốc. Bọ gậy thường phát sinh ở các dụng cụ chứa nước sạch, trong nhà hay xung quanh nhà. Đa số các nhà ở thành phố, trên tầng thượng hoặc tum thường để rất nhiều dụng cụ trồng cây, các dụng cụ không dùng đến khiến đọng nước mưa và chính là nơi phát sinh các ổ bọ gậy. Nguyên nhân ngay trong nhà mà người dân không để ý”, TS Nguyễn Văn Dũng cảnh báo.

Vì vậy, việc phòng sốt xuất huyết phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân, tăng cường vệ sinh nơi ở thường xuyên, không để các vũng nước đọng, dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nơi ở… Đây là những biện pháp diệt muỗi từ gốc mà rất đơn giản, ai cũng làm được, không cần sử dụng hóa chất có hại cho sức khỏe.

 ?? ?? Diệt bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước sạch trong nhà, tránh phát sinh muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.
Diệt bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước sạch trong nhà, tránh phát sinh muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam