Travellive

CUỘC GẶP GỠ TÌNH CỜ VÀ THÚ VỊ

-

Sau một ngày dạo chơi dưới trời mưa phùn của Copenhagen, chúng tôi dừng chân tại một nhà hàng đậm chất Đan Mạch trên con kênh Nyhavn. Vừa đắp chăn vừa thưởng thức ly cà phê truyền thống kiểu Đan Mạch còn nóng hổi trong tiết trời mùa đông lạnh lẽo là một trải nghiệm vô cùng thú vị.

Càng về tối thời tiết càng lạnh, chúng tôi buộc phải di chuyển vào trong nhà. Đó cũng là một không gian ấm cúng và thư giãn với những bức tranh nhiều màu sắc và ánh đèn vàng bên khung cửa sổ xinh xắn. Chúng tôi mải nói chuyện với nhau nên không để ý đến một bác lớn tuổi ngồi bàn kế bên. Chỉ đến khi bác ấy tiến đến bức tranh ngay bàn chúng tôi và vẽ thêm vài nét lên bức tranh ấy, chúng tôi thực sự bất ngờ và bắt đầu bắt chuyện.

Thì ra bác ấy là chủ của ngôi nhà cổ kính này, hiện cho thuê làm nhà hàng, và cũng là “cha đẻ” của tất cả các bức tranh trong nhà hàng này và rất nhiều nhà hàng lận cận. Bác ấy là Rolf Gjedsted, một hoạ sĩ và nhà văn nổi tiếng của Đan Mạch, đã xuất bản 60 cuốn sách các loại, chủ yếu là tiểu thuyết về lịch sử của kênh Nyhavn, văn hoá của người Đan Mạch và rất nhiều thơ.

Tôi cũng mạo muội nói rằng tôi đang tập tành vẽ và đưa cho bác ấy xem tác phẩm mới nhất của mình. Bác ấy xem trong vòng một nốt nhạc và hỏi: “Cô có muốn nghe ý kiến của tôi không?”. Tôi hào hứng gật đầu liên tục. Bác lại hỏi: “Có thật sự là cô muốn nghe không? Có thể cô sẽ không thích đâu”. Tôi trả lời đó là một vinh dự cho tôi khi nhận được đánh giá thật lòng của một hoạ sĩ nổi tiếng như ông, bác liền cười và nói: “Cô vẽ rất giống, ngay cả tôi cũng không thể vẽ giống như thế. Nhưng mà, nó không có nét gì là của riêng cô cả, chỉ như là cái máy photocopy thôi và đó không gọi là nghệ thuật. Muốn tạo ra dấu ấn riêng, cô phải phá bỏ sự chỉn chu. Quan trọng là cô có dám không?”.

Wow, sốc tập 1. Thật sự bác ấy nói đúng tâm can của tôi. Càng vẽ, tôi càng thấy mình mải mê trong sự chỉn chu, muốn bức tranh giống đến từng chi tiết nhỏ. Khi tôi vẽ

bức tranh của em trai mình, ban đầu tôi muốn thử nghiệm màu acrylic với kiểu vẽ khác. Nhưng khi đã tốn rất nhiều công sức tạo nên sự chỉn chu, tôi lại sợ hãi phá vỡ nó, sợ sự phá cách không tới của mình sẽ làm hư bức tranh. Đó chính xác là điều bác ấy nói. Nếu muốn tạo ra nghệ thuật, bạn phải có gan phá bỏ những tác phẩm cũ. Quả là một nhận xét sâu sắc của một hoạ sĩ nhiều kinh nghiệm.

Thế rồi, bác đưa tôi một mẩu khăn giấy đã quệt màu vàng acrylic và nói tôi vô tư thêm vào các bức tranh trong căn phòng đó. Wow, sốc tập 2. Tôi thật sự bối rối vì không biết phải làm thế nào để không phá hỏng tác phẩm của bác ấy. Bác ấy liên tục khuyến khích tôi cứ làm thoải mái và tôi cũng gồng mình vẽ đại vài nét.

Tôi vô cùng cảm kích ý tốt đằng sau hành động của người họa sĩ này. Không quan trọng là tôi vẽ thế nào vào những bức tranh ấy, mà quan trọng là bác muốn cho tôi thấy rằng: bác sẵn lòng để tôi phá những bức tranh hoàn thiện của bác ấy. Vậy tôi có can đảm để phá tranh của chính mình hay không? Thật là một cuộc gặp gỡ đầy tình cờ và thú vị. Đó cũng là một bài học sâu sắc về nghệ thuật và cuộc sống. “Nếu muốn tạo ra dấu ấn riêng, bạn phải có gan phá bỏ lề lối cũ”

 ??  ??
 ??  ??

Newspapers in English

Newspapers from Vietnam