Travellive

NHÌN BANGKOK QUA NHỮNG LĂNG KÍNH KHÁC

- Bài và ảnh: Lý Thành Cơ

TRƯỚC CHUYẾN ĐI ĐẾN THỦ ĐÔ THÁI LAN, NHIỀU NGƯỜI NÓI VỚI TÔI RẰNG: BANGKOK CHỈ LÀ MỘT THÀNH PHỐ VỚI NHỮNG TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI SẦM UẤT VÀ PHÔ TRƯƠNG, NHỮNG CON ĐƯỜNG XE CHẠY KÍN HẾT 8 LÀN ĐƯỜNG, GIỜ TAN TẦM CHỈ TOÀN KHÓI BỤI VÀ VÀI NGÔI CHÙA NỔI TIẾNG MÀ THÔI. NHƯNG TÔI KHÔNG TIN VÀO NHỮNG GÌ NGƯỜI TA NÓI. THẾ LÀ ĐI! TÔI ĐI VỀ BANGKOK VỚI TRÁI TIM KHÔNG MONG ĐỢI, MONG RẰNG CHIẾC MÁY ẢNH KHOÁC TRÊN VAI, ĐÔI MẮT Ở PHÍA TRƯỚC SẼ NGẮM NHÌN, TẬN HƯỞNG BANGKOK THÔNG QUA MỘT LĂNG KÍNH KHÁC.

BANGKOK NHÌN TỪ KÊNH ĐÀO

Vô tình thôi, khi trên đường đi từ một quán pad thai nổi tiếng nhất Bangkok trở về khách sạn ở khu Thong Lor, tôi được Google Maps gợi ý con đường nhanh nhất với hai chuyến tàu trên dòng kênh Khlong Saen Saeb. Tôi thốt lên với người bạn đồng hành trong bất ngờ: “Đi thôi, nhanh nào, còn 15 phút nữa tàu chạy!” Tôi phấn khích như tìm được vàng, vì nhiều ngày đi lại bằng taxi, BTS khiến tôi có phần chán ngán. Mọi thứ trông đơn giản quá, có phần dễ chịu khiến con người ưa khám phá trong tôi cứ nguội nguội đi khi tới Bangkok. Chỉ khi nghe có thể ngồi thuyền để di chuyển, tôi mới chợt “cháy” lại lửa trong người.

Hệ thống kênh rạch chằng chịt khiến việc đi lại bằng thuyền không phải là một phương tiện mới mẻ vì là hình thức giao thông chính ở địa phương từ thế kỷ 19. Một vài hệ thống kênh vẫn còn hoạt động nhộn nhịp, nhưng hầu hết đã được lấp đầy để nhường chỗ cho cảnh quan đô thị ngày càng mở rộng của Bangkok. Hai dòng kênh chính và mang tính lịch sử vẫn còn được tìm thấy trong thành phố ngày nay là Khlong Saen Saeb và Khlong Phadung Krung Kasem. Ngày nay, đi thuyền trên kênh là phương tiện di chuyển thiết yếu của học sinh, người lao động và thậm chí là người nước ngoài làm việc ở thành phố này. Nhưng đối với nhiều du khách, đi trên những dòng kênh là trải nghiệm kỳ lạ, phấn khích nhất trong thời gian ở Bangkok.

Di chuyển trên kênh đào không phải là trải nghiệm dễ dàng. Những chiếc thuyền dường như đi theo mọi hướng và người lái không đi theo một hướng cụ thể nào. Trên đoạn kênh tôi phải qua để về khách sạn, lúc thì họ đậu ở bến thuyền bên trái, lúc lại bên phải. Nhân viên bán vé thoăn thoắt đi trên mạn thuyền để thu vé với sự ung dung, mặc cho nước bắn và thuyền lắc lư.

Họ trông như những diễn viên xiếc chuyên nghiệp đang nhảy múa giữa làn nước bẩn.

Thuyền chạy trên kênh rất nhanh, nước bẩn bắn toé lên, cứ như thể người lái đang chạy đua với một con thuyền vô hình bên cạnh. Bạn hãy chuẩn bị tinh thần và kéo lớp che bằng nylon để tránh bị nước bắn lên người. Vị trí an toàn nhất chính là đứng giữa thuyền, nơi có nhiều người chắn cho mình. Trải nghiệm đó khiến tôi thật sự thót tim, nhưng trong lòng vui phải biết vì xê dịch đâu phải chỉ để cảm nhận những nét đẹp sang, xịn xứ người, mà còn để cảm những lát cắt đời thường nhất.

Dọc dòng kênh, bạn sẽ được ngắm cả những khu nhà ổ chuột đã xuống cấp trầm trọng, những khu nhà giàu, những công trình kiến trúc nổi tiếng nằm sát bờ kênh như Jim Thompson House hay các ngôi chùa nổi tiếng. Nếu như không có địa điểm chính xác để đến, tôi nghĩ bạn hãy thử xuống một trạm ngẫu nhiên rồi đi bộ để khám phá khu dân cư hết sức đặc trưng này.

Một lưu ý hết sức quan trọng là thuyền có thời gian chờ khá nhanh gọn, bạn hãy theo dõi bản đồ GPS để xem trạm kế tiếp đậu ở bến thuyền bên phải hay bên trái để len lỏi qua dòng người tấp nập trên thuyền và chờ sẵn ở phía cần xuống.

BANGKOK CỦA NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI

Nếu chỉ tới Bangkok để thưởng thức ẩm thực và thăm thú chùa chiền, bạn sẽ bỏ lỡ một góc nhìn khác về Bangkok vì thành phố này là không gian phát triển nghệ thuật đương đại hấp dẫn bậc nhất, có thể sánh ngang với Đài Bắc hay Singapore. Tuy không mới, nhưng MOCA Bangkok với không gian khổng lồ luôn nằm trong bucket list của tôi trước khi đến Thái với 6 tầng lầu và 5 tầng ngập tràn những tác phẩm điêu khắc, hội hoạ mang tính thể nghiệm và nêu quan điểm mạnh mẽ. Tôi thật sự bị hút mắt bởi những tác phẩm tôn giáo của Thái được dùng kỹ thuật màu hiện đại tạo nên một ánh nhìn hoàn toàn khác về chủ đề này. Những hoạt cảnh nêu bật triết lý sống nhân - quả là điểm làm bất cứ người xem nào cũng sẽ thẫn thờ. Thời gian bạn cần bỏ ra để đi hết MOCA lên đến 3 hoặc 4 tiếng đồng hồ.

Khu vực River City nổi tiếng với du khách đi tour là nơi có bến thuyền để đi qua ICON SIAM và cũng là không gian dành cho nghệ thuật ấn tượng. Bạn sẽ tìm thấy hai khu trưng bày chính: một khu trưng bày các tác phẩm tranh, điêu khắc, nhiếp ảnh của các nghệ sỹ độc lập với mục đích thương mại là chủ yếu; phần còn lại là khu triển lãm nghệ thuật số trưng bày theo phương thức sử dụng âm thanh, hình ảnh từ máy chiếu để giới thiệu các tác phẩm của vô số nghệ sỹ nổi tiếng thế giới. Đặc biệt, đây là nơi trưng bày “on rotation” (thay đổi theo thời gian) nên nội dung triển lãm sẽ thay đổi liên tục.

Bên cạnh đó, Bangkok Art & Culture Center (BACC) là không gian nuôi dưỡng nghệ thuật đương đại đang phát triển của Bangkok với các tác phẩm từ hội họa, thiết kế đến âm nhạc, nhà hát và phim ảnh. Nằm cách ga tàu BTS National Stadium chỉ vài phút đi bộ, nơi đây tổ chức một số triển lãm thay đổi theo mùa của nghệ sĩ Thái Lan và quốc tế. BACC mở cửa miễn phí từ 10h - 21h mỗi ngày, trừ thứ hai. Dù cảm nhận của tôi là không gian này không đạt đến trình độ của MOCA hay River City, nhưng vì miễn phí nên tại sao bạn không ghé thăm để hiểu thêm về Bangkok? Tại đây, cũng có khá nhiều craft shop, art shop bán đồ vô cùng cá tính và có những buổi biểu diễn nghệ thuật vào cuối tuần.

BANGKOK NHÌN TỪ ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ

Tôi không nói ẩm thực trong những khu trung tâm mua sắm là tệ, đôi khi chúng cũng ngon và vô cùng độc đáo vì nghệ thuật dung hợp (fusion) giữa phong vị truyền thống và đương đại. Nhưng tôi là một người hoài cổ, yêu thích những gì cũ kỹ với các câu chuyện đi cùng năm tháng ở những quán ăn nhỏ ven đường, những quán cafe độc lập xa khỏi trung tâm thành phố. Những nơi như vậy cho tôi cảm giác mình đang cảm nhận những điều mà nhiều lữ khách vội vã thường bỏ qua.

Bạn đi cùng đưa tôi đến Saew - nhà hàng nhỏ, cũ và xập xệ nằm trên Klang Alley - với lời mời mọc đơn giản: “Bạn anh sống ở Bangkok 5 năm chỉ cho anh chỗ này. Và lần nào đến Bangkok, anh cũng tới Saew ăn vài lần”. Trên con đường Klang Alley có nhiều hàng

quán hơn tôi tưởng tượng, đa phần đều hiện đại, theo phong cách fusion thường thấy, riêng tiệm mỳ Saew lại lọt thỏm với vẻ ngoài mộc mạc.

Tôi gọi món mỳ cá viên kiểu Thái để dùng, còn anh bạn thì gọi hủ tíu. Điểm ấn tượng đầu tiên chính là độ cay vừa phải, vị tươi ngon của nguyên liệu và sự đậm đà trong nước dùng khiến cho từng muỗng mỳ đều làm bừng vị giác. Tôi gọi thêm ly nước hoa cúc và vị trà hoa cúc này ngon hơn mong đợi khiến tôi đành phải gọi hai ly cho đã thèm. Điều đáng kinh ngạc chính là giá của Saew rất rẻ, chỉ từ 50 đến 70 THB, đúng với giá của những bát mỳ bình dân mà ta thường thấy nhưng hương vị ngon hơn rất nhiều.

Sau mỳ Saew, tôi tìm đến Pad Thai - món ăn quốc hồn quốc tuý của người Thái, giúp đưa ẩm thực Thái tiếp cận đến thực khách nước ngoài. Có lẽ vì cái tên dễ phát âm, dễ nhớ, nhưng điều quan trọng chính là sự pha trộn nguyên liệu ấn tượng trong mỗi dĩa Pad Thai. Một đĩa Pad Thai tiêu chuẩn sẽ gồm có phần bánh (giống hủ tíu), giá sống, hẹ sống, đậu phộng rang, thịt hoặc hải sản, bột ớt, chanh để tạo nên một sự tổng hoà và kích thích vị giác mạnh mẽ. Nhưng, để ăn đúng món Pad Thai nổi tiếng, bạn sẽ phải đợi rất lâu, đặc biệt là Pad Thai của tiệm Thipsamai huyền thoại. Được nhắc đến ở mọi trang báo, tạp chí ẩm thực trên thế giới từ CNN, đến New York Times, Thipsamai luôn tự hào mình mang đến cho thực khách những đĩa Pad Thai khó quên nhất.

Nằm trên con đường Maha Chai, Thipsamai mở cửa lúc 5 giờ chiều, nhưng từ 4 giờ 30 phút đã có nhiều thực khách đứng xếp hàng dài chờ đợi. Đến sớm nên tôi may mắn được là một trong những người đầu tiên vào quán, được nhận một menu phụ giới thiệu món

Pad Thai tôm càng (tiger prawn) đặc biệt vì món tôm càng có số lượng giới hạn nên mỗi ngày Thipsamai không làm quá nhiều. Khá đắt với mức giá lên tới 500 THB nhưng bạn sẽ không hối tiếc với hai con tôm càng được xếp hình trái tim trên phần Pad Thai màu cam đặc trưng của nhà hàng. Và chỉ vài đũa đầu tiên, tôi đã thoả mãn với món ăn tuyệt đỉnh này của Thipsamai. Tôi biết đến Jay Fai khi đang xem Netflix, có một chương trình mới tên “Street Food: Asia” được quảng cáo tại trang chủ. Chủ quán - bà Jay Fai - trông khắc khổ nhưng bà tìm thấy niềm vui trong việc nấu nướng. Tất cả món ăn tại quán đều do chính tay bà làm trong suốt vài chục năm qua. Tại Jay Fai, nổi tiếng nhất có thể kể đến món trứng rán cua có giá lên đến 700 THB nhưng chỉ cần một lần thử thì bạn sẽ không hề hối tiếc. Bạn có thể gọi thêm món Tom Yum nữa vì tuy ở đây cũng có Pad Thai nhưng thật sự món này không được đánh giá cao bằng Thipsamai. Đặc biệt, bạn cần đặt chỗ trước qua email hoặc tới trước giờ mở cửa (2 giờ chiều) để xếp hàng lấy chỗ.

 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??

Newspapers in English

Newspapers from Vietnam