Travellive

ĐÓN NĂM MỚI Ở QUẢNG TRƯỜNG THỜI ĐẠI

- Bài & ảnh: Vinh Lê

“Mùa đông New York thực tế thế nào nhỉ? Tò mò quá!”. Nghĩ sao làm vậy, nhân dịp visa Mỹ còn chưa hết hạn, tôi đặt vé máy bay từ Sài Gòn đến New York khi năm mới đã gần kề.

"MÙA ĐÔNG NEW YORK THỰC TẾ THẾ NÀO NHỈ? TÒ MÒ QUÁ!" TÔI NGHĨ NHƯ VẬY KHI NGỒI XEM LẠI BỘ PHIM "HOME ALONE" VÀ "YOU'VE GOT MAIL" NỔI TIẾNG VỚI BIẾT BAO NHIÊU CẢNH QUAY TUYỆT ĐẸP VỀ MÙA ĐÔNG Ở NEW YORK. NGHĨ SAO LÀM VẬY, NHÂN DỊP VISA MỸ CÒN CHƯA HẾT HẠN, TÔI ĐẶT VÉ MÁY BAY TỪ SÀI GÒN ĐẾN NEW YORK KHI NĂM MỚI ĐÃ GẦN KỀ.

THỜI KHẮC ĐẶC BIỆT NHẤT…

Mùa đông ở đâu cũng có thể giống nhau khi thời tiết sẽ rất lạnh, có chỗ sẽ có thêm tuyết rơi nữa, nhưng tôi quyết định chọn New York cho chuyến đi cuối năm là vì muốn trải nghiệm cùng gần một triệu người xa lạ đón thời khắc chuyển giao từ năm cũ qua năm mới tại Quảng trường Thời đại (Times Square). Đây là một hoạt động bạn không nên bỏ lỡ khi có dịp đến New York vào thời điểm này.

Điều gì khiến cho đêm Giao thừa ở thành phố New York này trở nên đặc biệt đến vậy? Ấy là vì vào phút cuối cùng của năm cũ, ở trên đỉnh tòa nhà One Times Square ở Quảng trường Thời đại có một quả cầu thủy tinh khổng lồ sẽ dần dần hạ xuống sau mỗi giây đồng hồ trong sự hò reo của hàng triệu người có mặt tại đây. Và khi quả cầu ấy chạm đáy thanh cột cũng là lúc đồng hồ điểm 00:00 và bắt đầu giây đầu tiên của năm mới. Để tăng thêm phần tưng bừng, dọc tòa nhà One Times Square sẽ bắn ra những đợt pháo hoa tầm ngắn. Từ trên nóc các dãy nhà dọc đại lộ cũng bắn ra hàng loạt pháo giấy đầy màu sắc kèm theo bóng bay được thả xuống trong sự hò reo mừng vui của cả triệu con người.

Tôi nghĩ, cảm hứng để New York sử dụng cách quả bóng hạ xuống dần sau mỗi giây (Ball-drop) có lẽ được lấy từ ý tưởng Quả bóng Thời gian (Time-ball) được lắp đặt trên đỉnh thiên văn Hoàng gia Anh từ năm 1833. Lúc ấy, cứ vào 13h chiều hàng ngày, quả bóng sẽ rơi xuống. Điều này sẽ giúp thuyền trưởng của các tàu gần đó có thể điều chỉnh đồng hồ bấm giờ cho chính xác. Sau khi nhận ra điều này, họ đã thiết lập một hệ thống tương tự ở Đài thiên văn Hải quân Hoa Kỳ đặt ở Washington DC. Tuy nhiên, khác với việc mỗi buổi trưa hàng ngày Quả bóng Thời gian ở nước Anh sẽ rơi xuống và chỉ được số ít người quan tâm chú ý, thì quả bóng rơi xuống ở Quảng trường Thời đại lại thu hút khoảng một triệu người theo dõi tại chỗ và hàng tỷ người theo dõi qua các kênh truyền hình khác nhau trên toàn thế giới.

Ball-drop là một hoạt động truyền thống diễn ra vào mỗi đêm Giao thừa kể từ năm 1907 đến nay, ngoại trừ năm 1942 và 1943 vì những đêm ấy thuộc thời kỳ chiến tranh, New York cần phải giảm bớt ánh sáng. Mặc dù vậy, vẫn có rất đông người đến tụ tập để chào đón năm mới cùng nhau. Quả cầu thời ấy được làm bằng sắt và gỗ, được gắn thêm 100 bóng đèn 25 watt với tổng trọng lượng lên đến gần 320 kg. Đến năm 1920, quả cầu này được làm hoàn toàn bằng sắt với cân nặng chỉ còn hơn 180 kg. Khi công nghệ dần hiện đại hơn, quả cầu cũng được nâng cấp dần với chất liệu là nhôm và thêm đèn màu sắc để ngày càng nổi bật hơn giữa Quảng trường Thời đại. Đến năm 2000, thời điểm kỷ niệm một thiên niên kỷ vừa đi qua, quả cầu đã được công ty Waterford Crystal và Philips Lighting thiết kế lại. Chất liệu sử dụng lần này là pha lê kết hợp với công nghệ chiếu sáng mới nhất. Vào năm 2007, để kỷ niệm 100 năm truyền thống Ball-drop ở Quảng trường Thời đại, hai công ty trên tiếp tục tạo ra một quả cầu với công nghệ chiếu sáng LED Philips Luxeon tiên tiến giúp tăng thêm đáng kể độ sáng. Vẻ đẹp và hiệu năng của quả cầu mừng 100 năm ấy đã truyền cảm hứng để chủ sở hữu tòa nhà One Times Square thiết kế và xây dựng một quả bóng lớn vĩnh cửu nặng gần 6 tấn, đường kính gần 4 m với 2.688 miếng pha lê và 32.256 bóng đèn Philips Luxeon LED.

…VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN BẠN CHƯA BIẾT

Nghe kể thì có vẻ đơn giản, đúng không? Tuy nhiên, để có thể là một phần của lễ hội này thật chẳng dễ dàng gì. Từ sáng, các con đường chính đổ về Quảng trường Thời đại như là đại lộ 7, phố 42, phố Broadway… đều bị chặn lại với rất nhiều hàng rào được thiết lập và hàng ngàn cảnh sát đứng ở khắp các hướng. Để có thể tiến gần với sân khấu chính - nơi sẽ có rất nhiều ca sĩ hàng đầu thế giới đến biểu diễn vào buổi tối, bạn cần phải đến đây từ… sáng hoặc khoảng 13h - 14h, xếp hàng dài cùng những người khác và qua các lớp kiểm tra an ninh của cảnh sát. Sau lớp an ninh này, bạn sẽ không tìm được một nhà hàng hay một cửa hàng tiện lợi nào và thậm chí không có cả… nhà vệ sinh luôn. Điều này có nghĩa là, một khi đã xác định vào gần sân khấu chính để sống trọn vẹn với lễ hội, bạn cần phải có phương án chống lạnh, chống đói và nhịn toilet trong thời gian dài gần 10 tiếng liên tục ngoài trời như vậy. Nếu bạn không chịu đựng được mà bước ra ngoài tìm đồ ăn hay “giải quyết nhu cầu”, bạn sẽ lại phải tiếp tục hành trình xếp hàng và qua các lớp an ninh của cảnh sát… một lần nữa khi muốn trở lại trung tâm Quảng trường.

Nhiều người Mỹ tôi gặp, có người thì khuyên tôi hãy mặc... bỉm của người lớn đi, có người thì khuyên ở nhà coi tivi cho rồi. Nhưng đã mất công bay qua tận đây nên tôi cũng ráng đến Quảng trường Thời đại để trải nghiệm. Tuy nhiên, tôi chọn phương án đến trễ hơn vì tôi chẳng

thể tìm ra phương án nào tối ưu để có thể “sống sót” trong suốt 10 tiếng gò bó như vậy.

Tôi bắt chuyến tàu điện ngầm tuyến C để đến với trạm tàu 50th St. - một trong những trạm tàu gần với Quảng trường Thời đại nhất. Không khí trên chuyến tàu nhộn nhịp hơn hẳn khi mọi người đều nói về Ball-drop, tôi thầm nghĩ, mình đã quyết định đúng khi quyết tâm ra đường để đến đó. Theo dòng người rời trạm tàu để lên mặt đất, lúc này không khí còn náo nhiệt hơn khi hàng dài người đang xếp hàng để chờ đến lượt được vào bên trong khu trung tâm. Tôi chưa vội nên đi tìm một quán ăn gần đó để kiếm gì bỏ bụng lót dạ trước khi vào trong quảng trường. Gần 21h, tôi mới bắt đầu đứng xếp hàng. Sau khoảng 45 phút chờ đợi và bước những bước nhỏ thì cũng đến lượt tôi vào kiểm tra an ninh. Cảnh sát yêu cầu tôi cho họ kiểm tra trong chiếc túi máy ảnh nhỏ của tôi có gì, cởi hai lớp áo khoác dày cộm ra để họ xem có để vật gì nguy hiểm hay giấu chất kích thích gì không… Rồi cũng xong! Tôi cũng vào được phố 42. Đông thật sự! Trước mặt tôi lúc này là một biển người, phía xa xa kia là sân khấu nhìn nhỏ xíu. Mọi hình ảnh trên sân khấu đều được truyền trực tiếp trên hàng chục màn hình LED dọc các con đường. Không khí thật sự náo nhiệt nhưng vẫn không làm tôi cảm thấy ấm hơn khi đứng ngoài trời trong đêm đông New York. Lạnh

BỎ QUA NHỮNG YẾU TỐ BẤT TIỆN VỀ THỜI GIAN, THỜI TIẾT, NHÀ VỆ SINH... RÕ RÀNG, BALL-DROP LÀ TRẢI NGHIỆM TUYỆT VỜI NHẤT MÀ TÔI CÓ ĐƯỢC Ở NEW YORK VÀO MÙA ĐÔNG NĂM ẤY.

đến mức tôi và những người xung quanh phải liên tục nhảy nhót để làm cơ thể nóng hơn, có khi còn tìm chỗ núp để tránh những cơn gió nhẹ thổi qua.

Cuối cùng cũng đến thời điểm tôi trông đợi nhất: Balldrop. Tôi có nghe kể nhiều lần, có xem clip qua Youtube và TV, nhưng không lần nào mang đến cho tôi sự phấn khích tột độ như thế này. Cảm giác khi được đồng âm cùng hàng triệu người đếm 10 giây cuối của năm cũ và hò reo chào đón năm mới thật sự rất thú vị; rồi cả khi ngắm màn pháo hoa, pháo giấy và bong bóng tràn ngập bầu trời quả thật rất đã mắt. Nếu bỏ qua những yếu tố bất tiện về thời gian, thời tiết, nhà vệ sinh… thì rõ ràng, Ball-drop là trải nghiệm tuyệt vời nhất mà tôi có được ở New York vào mùa đông năm ấy.

Có lẽ hành trình của tôi sẽ khiến khá nhiều người cảm thấy e ngại. Chia sẻ thêm với các bạn, nhiều quán pub và bar quanh khu vực nhận ra sự bất tiện này nên họ mở bán tấm vé Ball-drop Pass để những vị khách có thể vào đó ăn, uống, nhảy nhót và chờ đón năm mới cùng nhau. Đa số những quán này đều có vị trí để khách ở đó có thể nhìn thấy Ball-drop, có chỗ nhìn thấy toàn cảnh, có chỗ chỉ thấy một góc…

Thế nhưng điểm chung là họ vẫn có thể tận hưởng không khí đón năm mới ở một không gian thoải mái hơn rất nhiều.

 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??

Newspapers in English

Newspapers from Vietnam