Travellive

Bagan PHẾ ĐÔ TRÁNG LỆ U HOÀI

- Bài & ảnh: Ngô Quang Minh

ẤN TƯỢNG CỐ ĐÔ XƯA

Nhắc đến Bagan là nhắc đến những gì xưa cũ quý giá và sáng chói nhất trên bản đồ du lịch Myanmar. Sau 25 năm nỗ lực để vào danh sách đề cử thì đến tháng 07/2019, UNESCO đã chính thức công nhận Bagan là Di sản Văn hóa Thế giới. Với diện tích trên 40 km2 nằm ở bờ đông sông Ayeyarwady, Bagan từng là kinh đô cổ của triều đại Pagan từ thế kỷ 9 tới thế kỷ 13. Hàng nghìn chùa tháp còn sót lại ngày nay là chứng tích xưa của một thời kỳ Phật giáo đã hưng thịnh trên mảnh đất này. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thời gian đã nhấn chìm Bagan trong khói bụi, cuốn đi hết những huy hoàng của nghìn năm cổ tích, chỉ để lại nơi đây ánh mặt trời chói chang trên những nền gạch cũ. Tôi đến với Bagan như thế, trong mùa khinh khí cầu để ngắm những chân trời rộng dài tại mảnh đất xinh đẹp nhưng u hoài, chậm rãi này.

Ở BAGAN KHÔNG CÓ MÙA ĐÔNG, NGƯỜI TA ĐẾN VỚI BAGAN LÀ ĐỂ BÁM ĐUỔI THEO ÁNH NẮNG MỖI BUỔI BÌNH MINH VÀ LÚC CHIỀU TÀ. NGÚT NGÀN TẦM MẮT LÀ NHỮNG ĐỀN ĐÀI RÊU PHONG, NHỮNG CHIẾC XE NGỰA CŨ VẨN LTÊRANVELK­LIVHE Ô1N2G3 KHÍ LỚP BỤI MỜ, TIẾNG XE BÒ KÉO PHÁ VỠ SỰ TỊCH LIÊU CỦA KHÔNG GIAN«

Bagan không có mùa đông, người ta đến với Bagan là để bám đuổi theo ánh nắng mỗi buổi bình minh và lúc chiều tà. Ngút ngàn tầm mắt là những đền đài rêu phong, những chiếc xe ngựa cũ vẩn lên không khí lớp bụi mờ, tiếng xe bò kéo phá vỡ sự tịch liêu của không gian, du khách như sống chậm lại để tận hưởng sâu hơn nét đẹp thanh bình, dung dị của đất kinh kỳ kiêu sa. Miền đất vàng Bagan nổi tiếng với một số ngôi chùa cổ và rất nhiều đền “phải tới thăm”. Trước tiên là chùa Shwezigon - trong tiếng Myanmar có nghĩa là “chùa trên cồn cát” ứng với sự tích xây chùa từ thế kỷ 11. Tương truyền, vua Anawrahta đã dùng một chú voi trắng, phía trước có đeo xá lợi xương của Đức Phật và tuyên bố rằng chỗ nào chú voi dừng nghỉ chân sẽ xây chùa, và cuối cùng chú voi dừng lại nơi cồn cát - Shwezigon được xây dựng chính từ nơi đó.

Với ý nghĩa linh thiêng là nơi chứa xá lợi Đức Phật Thích Ca, chùa Shwezigon trải qua hơn 1.000 năm vẫn được người dân nơi đây gìn giữ, tôn tạo trùng tu. Nổi bật nhất trong kiến trúc chùa là bảo tháp dát vàng nằm chính giữa, vô cùng rực rỡ kỳ ảo mỗi khi ánh nắng chiếu vào. Đây cũng chính là nguyên mẫu để các chùa lớn của Myanmar sau này xây dựng theo.

Tiếp theo phải kể đến Dhammayang­yi - ngôi đền lớn nhất trong tất cả các đền chùa ở Bagan, tọa lạc giữa cánh đồng rộng lớn có màu đỏ gạch nung đặc trưng sừng sững như muốn lấn át tất cả các đền chùa xung quanh. Dhammayang­yi không chỉ đặc biệt bởi dáng hình kim tự tháp gần như độc nhất vô nhị giữa Bagan mà truyền kỳ còn kể rằng, ngôi đền này đến nay vẫn chưa được xây xong dù đã tốn tới 6 triệu viên gạch. Nhưng không vì thế mà ngôi đền kém phần thu hút bởi sự hoành tráng và huyền bí ngày một thêm dày theo dòng thời gian.

Cách không xa Dhammayang­yi, người ta sẽ nhìn thấy ngôi đền cao nhất Bagan - đền Thatbyinny­u xây bởi vua Alaung Sithu vào năm 1144 với kiến trúc giống tu viện Thiên Chúa giáo thời Phục Hưng nhiều hơn là đền thờ Phật Giáo. Bên ngoài Thatbyinny­u được quét vôi trắng hoàn toàn, cũng là điểm dễ nhận thấy nhất trong quần thể di tích Bagan. Còn bên trong đền, ngoài các bích họa tranh tường nghệ thuật, các pho tượng đều được dát vàng lấp lánh, làm nên danh tiếng của ngôi đền mà trong tiếng Myanmar cổ có nghĩa là “nơi của Đấng Toàn Trí”.

Đi khắp Bagan, bạn sẽ gặp đền Ananda - cân xứng hoàn mỹ nhất về mặt kiến trúc, đền Sulamani gạch đỏ nổi bật nhất khi phản chiếu ánh nắng hai buổi sớm chiều, hay đền Shwesandaw được mệnh danh là điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất Bagan. Trập trùng trong cây cối xanh um và ánh nắng vàng rực, hơn 2.000 di chỉ chùa tháp Bagan cứ thế trải khắp bình nguyên như ru ta về một miền ký ức vàng son trong trẻo.

BAGAN NHÌN TỪ TRÊN CAO

Những quả khinh khí cầu từ từ bốc lên khỏi mặt đất, chậm rãi nương theo gió trôi trong ánh nắng đầu ngày từ lâu đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng mỗi khi nhắc đến Bagan nói riêng và Myanmar nói chung. Mùa bay khinh khí cầu hằng năm kéo dài 6 tháng, từ đầu

TRẬP TRÙNG TRONG CÂY CỐI XANH UM VÀ ÁNH NẮNG VÀNG RỰC, HƠN 2.000 DI CHỈ CHÙA THÁP BAGAN CỨ THẾ TRẢI KHẮP BÌNH NGUYÊN NHƯ RU TA VỀ MỘT MIỀN KÝ ỨC VÀNG SON TRONG TRẺO.

tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau. Mỗi buổi sớm đi bay khinh khí cầu bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng. Các công ty tổ chức bay tới từng khách sạn đón khách du lịch, đưa họ ra bãi đất trống tập trung, phổ biến các quy tắc cần tuân thủ khi bay. Khinh khí cầu cất cánh và bay qua Bagan đón bình minh trong khoảng 45 phút rồi hạ cánh nơi bãi tập kết. Du khách cùng nhau nâng ly rượu vang chào ngày mới và tự chúc mừng mình đã có một trải nghiệm khó quên trong đời! Buổi sáng bay của chúng tôi đã diễn ra như thế với Captain Galvin - “nhạc trưởng” chịu trách nhiệm điều khiển quả cầu bay của nhóm. Với sự trợ giúp của các thành viên mặt đất, đợi chúng tôi yên vị trong giỏ và tuân thủ các thao tác an toàn, Captain Galvin từ tốn nhả móc neo và xả cả bốn súng đốt ga vào bóng, chiếc khinh khí cầu hẫng lên rồi nhịp nhàng lên cao dần. Theo quy định du lịch Bagan, các khinh khí cầu không được bay trực tiếp qua các nóc đền chùa. Do đó, các phi công phải bay rất khéo léo chính xác, đồng thời lại giới thiệu sơ lược cho khách du lịch mỗi khi bay qua các cụm đền nổi tiếng.

“Tôi không nhớ mình đã bay bao nhiêu mùa, đi qua bao nhiêu chùa tháp, ngắm bao nhiêu bình minh, nhưng tôi nhớ rõ cảm giác phấn khích khi được cưỡi ngọn gió đầu ngày và từ trên cao nói lời chào với ban mai Bagan thanh bình hơn cổ tích!” - Captain Galvin chia sẻ trong lúc đưa chúng tôi đuổi kịp ánh mặt trời huyền thoại như thế. Từ trên cao, hàng nghìn đền đài hiện ra nhỏ bé tươi đẹp như mô hình, ánh nắng màu cam đậm dần từ phía chân trời, xuyên qua lớp sương khói buổi sớm tô điểm Bagan thật diệu kỳ, ngoạn mục. Galvin chủ động ngắt lửa để chiếc khinh khí cầu của chúng tôi trôi thấp xuống. Nhờ thế, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh những người dân địa phương ra đồng làm việc, ngắm nhìn những nông trại rợp xanh và những luống cày thẳng lối. Tất cả đã vẽ nên một bức tranh thanh bình mộng mơ đầy hoài niệm. Trong những phút phấn khích, ngoài việc say sưa nhìn ngắm và chụp ảnh, chúng tôi còn vẫy tay chào các nhóm khác trên những quả khí cầu "hàng xóm" và các du khách đang đứng trên đồi cao cũng đang cùng đón bình minh rực rỡ. Hạ cánh rồi mà ai cũng còn lâng lâng. Khó ai có thể không rung động trước sự bao la yên bình trải dài trong tầm mắt khi một lần được bay trên miền đất Phật.

 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??

Newspapers in English

Newspapers from Vietnam