Travellive

George Town

- Bài & ảnh: Nhà Có Hai Người

GEORGE TOWN, THỦ PHỦ CỦA PENANG (MALAYSIA) ĐƯỢC XEM LÀ MỘT BẢO TÀNG SỐNG ĐỘNG ĐẠI DIỆN CHO THỜI ĐẠI CỦA ĐẾ QUỐC ANH TỪ CUỐI THẾ KỶ 18, VỚI LỐI KIẾN TRÚC VÀ NÉT VĂN HÓA PHA TRỘN NHIỀU MÀU SẮC TỪ ĐÔNG SANG TÂY VÔ CÙNG ĐỘC ĐÁO. HÃY LANG THANG KHẮP GEORGE TOWN, DỪNG LẠI CHỤP ẢNH BẤT CỨ GÓC NÀO BẠN THÍCH, THƯỞNG THỨC NGHỆ THUẬT BẰNG TẤT CẢ GIÁC QUAN VÀ ³MUA´ CẢ DÃY PHỐ NẾU BẠN CÓ THỂ!

AN NHIÊN NƠI PHỐ CỔ

Buổi sớm, khu phố cổ sáng bừng lên với những dãy cửa hàng xinh đẹp, cổ kính. Tuy nhiên, các cửa hàng mở cửa khá muộn, từ 10 giờ sáng và đóng cửa sớm lúc 7-8 giờ tối. Ngôi chợ lớn nhất George Town chỉ mở từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Có rất ít quán ăn, cafe mở cửa đến tận khuya. Chẳng có nơi nào diễn ra những cuộc chèo kéo lôi thôi.

Người dân vốn hiền lành, vui vầy với những niềm vui bé nhỏ, giản đơn, không chạy theo đam mê vật chất. Dù ngành du lịch có phát triển và khách du lịch tìm tới đông đến đâu cũng không thể kéo họ ra khỏi sự an nhiên thường nhật. Du khách nếu chủ ý giơ máy ảnh lên chụp một ai đó đang ngồi bên hiên nhà sẽ được nhận lại một nụ cười rất hiền. Nhờ vậy, George Town rất thoáng đãng và yên bình. Đến đây, tự dưng bạn sẽ xếp lại thói quen sống cuồng sống vội, bỏ quên những bận bịu, lo toan thường nhật để tập cách sống chậm, an nhiên. Cách dễ thương nhất để thưởng thức khu phố là chậm rãi sải bước trên những con đường in dấu thời gian.

Nơi đây có một căn nhà cổ hơn 100 năm tuổi bạn nhất định phải ghé thăm: biệt thự Pinang Peranakan. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà này là ông Chung Keng Quee, người Phúc Kiến. Ông có một bà vợ chính ở Trung Quốc. Khi đến Penang, ông lấy thêm người vợ thứ là người Penang, hình thành cộng đồng “peranakan” (có nghĩa là “con lai”). Theo tài liệu, “người Peranakan còn có tên gọi khác là người Baba - chỉ nam giới, và người Nyonya - chỉ nữ giới. Người Peranakan hoà nhập rất nhanh với cộng đồng bản địa, giao thương buôn bán giỏi, trở thành tầng lớp giàu có, xây dựng phố xá, nhà cửa với một phong cách kiến trúc độc đáo là sự pha trộn văn hoá của người Hoa di dân, cộng với nét văn hoá bản địa lẫn ngoại lai Âu châu dưới thời thuộc địa, đem lại một hình thái kiến trúc đặc biệt, đa dạng mà đồng nhất”. Ông Chung đã xây ngôi nhà này cho vợ thứ và các con sinh sống. Qua nhiều đời, hiện căn biệt thự vẫn giữ vẻ đẹp hòa quyện giữa sự lộng lẫy, tinh xảo trong kiến trúc Trung Hoa và những tiểu tiết sang trọng, tinh tế của Anh Quốc, thể hiện đời sống hưng thịnh của người Peranakan.

BẢO TÀNG VÀ CHUYẾN DU HÀNH THỜI GIAN

Đã ai nói với bạn George Town là thiên đường của bảo tàng chưa?

Tôi cầm trên tay tấm bản đồ nhỏ xinh, dạo quanh George Town, đến thăm các khu bảo tàng cực kỳ thú vị như bảo tàng kính, bảo tàng camera, bảo tàng tranh 3D, bảo tàng lộn ngược… Trong số đó, Wonderfood Museum hẳn là nơi yêu thích nhất của tôi với hàng trăm loại thực phẩm, món ăn được làm giả y như thật, giúp du khách hiểu rõ hơn về ẩm thực Malaysia. Bảo tàng được chia làm ba khu vực chính: Info Zone cho thông tin về những món ăn hàng ngày của người bản địa, cách trình bày bàn ăn, cách kết hợp các món ăn trong một bữa ăn; Wow Zone có những món ăn đặc trưng như cendol (chè bánh lọt), laksa (một loại bún nổi tiếng với nước dùng từ gà, tôm, cá), curry mee (mì cà ri), rojak (salad trái cây), char kuey teow (hủ tíu xào)… được làm với kích thước khổng lồ sẽ khiến bạn “say wow”; và Educationa­l Zone giúp mọi người nâng cao nhận thức rằng một số loại thực phẩm yêu thích của mình có tác động xấu đến môi trường.

Chưa hết đâu! Khu Street Art đúng là nơi thu hút những người yêu nghệ thuật với những bức tranh tường sống động lấy cảm hứng từ đời sống sinh hoạt của người địa phương. Len lỏi vào từng con hẻm nhỏ, bạn sẽ bất giác nhận ra mình đang mỉm cười khi nhìn thấy một bức vẽ tươi vui trên một mảng tường gạch bong tróc, cũ kỹ. Ấn tượng trong tôi về George Town còn có những tiệm souvenir chất lừ “made in Malaysia”, những cửa hiệu bán đồ thủ công, trang phục thiết kế của các nhà thiết kế địa phương, đồ decor, sách báo cũ, những quán café tinh tế, những quán ăn trang nhã... Tôi như được quay ngược thời gian khi bước vào một không gian trưng bày những món đồ cổ do chủ nhân sưu tầm từ khắp nơi: đồng hồ, búp bê, máy may, đài radio, ấm trà, bình rượu…, hay khi lạc vào quán café Edelweiss bên trong một ngôi nhà cổ thời thuộc địa Anh mang vẻ đẹp của “một đứa con lai” với vẻ ngoài bắt mắt, ưa nhìn và tâm hồn trầm tĩnh, sâu lắng.

Nếu ở các trung tâm du lịch khác, các cửa hiệu, hàng quán thi đua nhau để trở nên nổi bật hơn thì tại đây, tất cả mọi thứ từ ngoài vào trong đều phối hợp “ăn ý” với nhau như thể cả khu phố được một bàn tay khéo léo, một bộ óc tinh tế nào đó đã cất công sắp đặt. Từng cánh cửa, từng viên gạch ốp tường, từng bức tranh… như những nhân vật trong một bộ phim điện ảnh đang cùng nhau kể cho du khách nghe một câu chuyện lôi cuốn về một chuyến du hành thời gian.

 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??

Newspapers in English

Newspapers from Vietnam