Travellive

KHÁM PHÁ VÙNG ĐẤT CỦA CHÚA NHẪN

- Bài & ảnh: Nguyễn Hải Duyên & Vũ Sơn Tùng

New Zealand nổi tiếng là nơi thực hiện các cảnh quay hùng vĩ trong loạt phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn”. Nhưng khi đặt chân lên đất nước này, tôi mới biết rằng New Zealand còn tuyệt vời hơn cả những thước phim của Peter Jackson.

LÀNG CỦA NHỮNG NGƯỜI MAORI

Tôi đến New Zealand (NZ) vào tháng 4, khi thời tiết ở đây đang mùa thu. Hành trình của tôi bắt đầu từ Auckland, thành phố đông đúc và phát triển nhất của NZ. Auckland còn khá “non trẻ” nên không để lại cho tôi nhiều ấn tượng về văn hóa cũng như cảnh sắc. Nhưng càng đi xuống phía nam, tôi càng bị choáng ngợp bởi sức hấp dẫn từ văn hóa của người dân bản địa - người Maori, những ngọn núi tuyết hùng vĩ và những hồ nước rộng mênh mông. Từ Auckland, tôi bắt xe bus đến Rotorua - thành phố lưu huỳnh. Gọi như vậy bởi lẽ cấu tạo địa chất, không khí tại đây nóng bức và đặc mùi lưu huỳnh. Nhờ vậy, các dịch vụ spa, tắm khoáng nóng ở đây rất phát triển. Rotorua cũng là nơi sinh sống của rất nhiều bộ lạc người Maori - những chủ nhân đầu tiên của xứ kiwi - trong đó có làng Tamaki. Tour tham quan Tamaki có giá khoảng 140 đô la New Zealand (NZD) nhưng rất đáng đồng tiền. Trên đường tới Tamaki, hướng dẫn viên sẽ giúp bạn đóng vai những

người thổ dân Maori đến từ một ngôi làng xa lạ khác.

Ngay từ khi bước xuống xe, tôi đã nhận thấy bản sắc Maori hiển hiện qua những bức tượng gỗ dữ tợn đặt dọc lối đi dẫn đến cổng làng. Một tốp chiến binh Maori tiến ra “chào đón” những vị khách xa lạ bằng điệu Haka truyền thống. Tin tôi đi, bạn sẽ vô cùng choáng ngợp bởi những tiếng hét, những động tác tay chân dứt khoát, nhịp nhàng, dũng mãnh của các chiến binh. Haka vốn là điệu nhảy xuất phát từ chiến tranh. Các chiến binh Maori thực hiện nó trước mỗi trận đánh để trấn áp kẻ thù và nâng cao tinh thần cho bản thân.

NEW ZEALAND NỔI TIẾNG LÀ NƠI THỰC HIỆN CÁC CẢNH QUAY HÙNG VĨ TRONG LOẠT PHIM "CHÚA TỂ CỦA NHỮNG CHIẾC NHẪN". NHƯNG KHI ĐẶT CHÂN LÊN ĐẤT NƯỚC NÀY, TÔI MỚI BIẾT RẰNG NEW ZEALAND CÒN TUYỆT VỜI HƠN CẢ NHỮNG THƯỚC PHIM CỦA PETER JACKSON.

Thời nay, Haka được hiểu là một nét văn hoá đặc trưng của New Zealand. Trong suốt quá trình Haka, họ liên tục trợn mắt, lè lưỡi, làm co rúm những hình xăm trên mặt. Vô cùng ấn tượng! Với màn Haka này, có thể hiểu là họ đang vô cùng cảnh giác khi chưa biết được mục đích khiến khách ghé thăm làng. Lúc này, “bộ lạc du khách” phải bày tỏ mục đích đến Tamaki. Một chiến binh Tamaki bước ra đặt dưới chân “tộc trưởng” (Chief) của chúng tôi một cành dương xỉ, nếu như đến vì mục đích hoà bình (dĩ nhiên rồi), “tộc trưởng” nhặt nó lên (điều này đương nhiên đã được hướng dẫn viên chỉ dẫn trước). Sau đó, “tộc trưởng” hai bên sẽ thực hiện “Hongi” bằng cách chạm mũi và nắm tay nhau.

Sau màn chào đón, chúng tôi được dẫn đi thăm các khu nhà trong làng và tìm hiểu về các phong tục, tập quán của người Maori. Nam giới được học một vài động tác Haka, phụ nữ sẽ được tìm hiểu về Poi một loại vũ khí thời xưa. Tôi thực sự thích thú khi có dịp khám phá nghệ thuật xăm mình của người Maori. Ở đây, hình xăm nói lên công trạng, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp… của nam giới và họ có thể xăm lên mặt cũng như nhiều vị trí khác. Nhưng nữ giới thì chỉ xăm ở cằm.

Cũng ở đây, tôi được ném thử món thịt nướng theo kiểu Hangi (nghĩa là “lò đất”) - thịt được nướng trên những phiến đá nóng vùi dưới một hố sâu, sau đó phủ đất lên đợi trong vài giờ. Đây là một trong số những món ăn truyền thống đặc sắc nhất của người Maori có nguồn gốc lịch sử lên tới 2.000 năm.

LÀNG HOBBITON, PHIM TRƯỜNG “THE LORD OF THE RINGS”

Làng Hobbiton - một trong những phim trường của bộ phim “The Lord of the Rings” - được dựng theo đúng những mô tả của Sir J.R.R Tolkien trong cuốn sách. Có lẽ đó cũng là lý do khiến nơi đây hút du khách đến thế.

Khách du lịch đến đây buộc phải đi theo đoàn (khoảng 10-15 người/ đoàn) theo sự hướng dẫn của nhân viên. Mỗi lượt chỉ có hai đoàn khách được phép vào tham quan trong thời gian khoảng một tiếng. Bạn được tự do chụp ảnh nhưng phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên. Qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên, tôi mới hiểu vì sao phải trả tới 120 NZD cho một chuyến thăm ngắn ngủi với nhiều quy định cần tuân thủ. Từng chi tiết nhỏ xíu ở đây như dây phơi phần áo, bàn cờ vua, từng nhành cây ngọn cỏ… đều được đoàn làm phim tỉ mỉ dựng lên và có nhân viên hàng ngày chăm sóc tưới tắm. Để những chiếc lá trên miệng những ống khói bị ám khói ngả vàng một cách chân thực nhất, đạo diễn đã yêu cầu nhân viên hàng ngày vào trong nhà, đốt lò để khói bốc lên. Điểm đáng chú ý nhất ở Hobbiton là cây cổ thụ trên mái nhà của Bilbo Baggins hoàn toàn là một cây nhân tạo. Đoàn làm phim đã tô vẽ từng chiếc lá và gắn lên. Chỉ vài ngày trước khi bấm máy, Peter Jackson đổi ý và muốn lá cây đậm hơn để giống với nguyên tác của Tolkien. Do đó, từng chiếc lá lại được sơn lại cho tới người đạo diễn cầu toàn vừa ý.

ĐỈNH NÚI THIÊNG TARANAKI DIỆU KỲ

Trên chuyến bay đến New Plymouth, máy bay sẽ bay ngang qua đỉnh núi Taranaki. Đừng ngủ nhé, vì bạn sắp được chiêm ngưỡng Taranaki từ trên cao, giống hệt như những tấm hình bạn thấy trên các tạp chí du lịch nổi tiếng. May mắn thay, tôi có một bạn đồng hành ngồi kế bên là người Maori. Ông đang trên đường tới rừng quốc gia Egmont để thăm ngọn núi Taranaki nên đã vui vẻ kể cho tôi nghe sự tích

về đỉnh núi thiêng này.

Truyền thuyết kể rằng, từ khi con người chưa xuất hiện, Taranaki, Tongariro, Ngauruhue và Ruapehu là bốn ngọn núi nằm sát bên nhau ở đảo Bắc. Taranaki và Tongariro cùng đem lòng yêu ngọn núi Pihanga, dẫn đến những cuộc chiến nảy lửa giữa hai anh chàng. Sau cùng, nàng Pihanga chọn Tongariro, Taranaki giận dỗi đi về phía tây một mình. Những giọt nước mắt của Taranaki hoá thành dòng sông Whanganui. Có một điều thú vị là dòng sông “nước mắt” Whanganui được chính phủ New Zealand trao tư cách pháp nhân vào năm 2017.

Người Maori coi Taranaki là một vị thần linh thiêng, như tổ tiên, người thân trong gia đình. Nhưng không một người dân Maori nào leo lên tận đỉnh núi và chạm vào gương mặt của thần. Họ cho rằng đẹp nhất là khi ngắm nhìn Ngài từ xa.

THÔNG TIN THÊM:

Visa: Hồ sơ xin visa được nộp trực tiếp qua website của Sở Di trú New Zealand. Đối với visa du lịch dưới 3 tháng, bạn sẽ nộp mức phí xin cấp thị thực khoảng 250 NZD.

Hành trình: Có rất nhiều chuyến bay từ Hà Nội và TP.HCM tới New Zealand với nhiều điểm transit như Quảng Châu, Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore hay

Melbourne… Vé máy bay transit tại Úc thường rẻ hơn các hãng khác. Tuy nhiên, nếu lựa chọn transit ở các nước ngoài Đông Nam Á, bạn nhớ kiểm tra kỹ thông tin xem mình có cần xin visa quá cảnh không.

Phương tiện di chuyển: Nếu bạn có thể lái được ô tô thì thuê ô tô tự lái là lựa chọn hàng đầu, lưu ý là ở đây bạn sẽ đi bên trái đường. Nếu không thuê xe, bạn có thể chọn xe buýt. Tôi đã mua thẻ Travelpass của Intercity. Họ có nhiều cung đường khác nhau nối các điểm du lịch trên toàn quốc và bạn có thể dừng ở bất cứ điểm nào. Xe buýt rất rộng rãi, sạch sẽ và chiều khách du lịch. Họ sẽ dừng lại ở các điểm ngắm cảnh để bạn có thể chụp ảnh và checkin trong suốt hành trình.

Thời gian: New Zealand cũng có 4 mùa và mỗi mùa lại có một vẻ đẹp khác nhau. Tuy nhiên, mùa hè của họ rơi vào khoảng tháng 11 đến tháng 2, còn mùa đông là từ tháng 6 đến tháng 8.

Ẩm thực: Đồ ăn ở đây hầu hết là đồ Hàn, Thái, Trung, Ấn, Âu và một số quán cung cấp đồ ăn Việt. Tuy nhiên, lựa chọn tiết kiệm nhất chính là tự nấu ăn vì hầu hết các hostel đều có một khu bếp chung với đầy đủ dụng cụ nấu nướng.

Lưu ý khác:

 Hãy chuẩn bị một đôi giày thật thoải mái vì việc đi bộ trung bình 8-10 km/ ngày là rất đỗi bình thường. Các phương tiện công cộng chỉ có ở các thành phố lớn và taxi thì vô cùng đắt đỏ.

 Các điểm du lịch thường cách nhau rất xa nên hãy lên lịch trình thật kĩ trước khi đến để tận dụng tối đa khoảng thời gian của các bạn khi ở

New Zealand.

 Nếu các bạn có ý định đến New Zealand để trekking thì một trang thông tin không thể bỏ qua đó là website của Cục Bảo tồn thiên nhiên New Zealand. Website sẽ giúp bạn cập nhật thời tiết và tình trạng của tất cả các tuyến trekking.

TRÊN CHUYẾN BAY ĐẾN NEW PLYMOUTH, MÁY BAY SẼ BAY NGANG QUA ĐỈNH NÚI TARANAKI. ĐỪNG NGỦ NHÉ, VÌ BẠN SẮP ĐƯỢC CHIÊM NGƯỠNG TARANAKI TỪ TRÊN CAO, GIỐNG HỆT NHƯ NHỮNG TẤM HÌNH BẠN THẤY TRÊN CÁC TẠP CHÍ DU LỊCH NỔI TIẾNG.

 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??

Newspapers in English

Newspapers from Vietnam