Travellive

Road trip ĐI KHI CẢM THẤY SẴN SÀNG NHẤT

LIỆU CÓ BÍ QUYẾT NÀO CHO SỰ THÀNH CÔNG CỦA NHỮNG HÀNH TRÌNH ROAD TRIP TRÊN ĐẤT CHÂU ÂU KHÔNG? CÂU TRẢ LỜI CỦA BTV ANH NGỌC LÀ KHÔNG. THEO ANH NGỌC, SỰ CẨN THẬN, CHUẨN BỊ HẬU CẦN VÀ LÊN KẾ HOẠCH KĨ LƯỠNG LÀ ĐIỀU ĐƯƠNG NHIÊN, NHƯNG ĐÓ CHỈ LÀ NHỮNG KHÂU CƠ B

- Bài & ảnh: Trương Anh Ngọc

CHỌN THỜI ĐIỂM CHO NHỮNG CHUYẾN ĐI

Liệu có một khoảng thời gian lí tưởng nào cho các chuyến đi? Không hề, lí tưởng hay không là ở bạn, ở việc bạn có thể thu xếp để đi được bao lâu, bao xa và khoảng thời gian nào bạn có thể lên đường được.

Trong những năm tháng sống và đi lại ở châu Âu, tôi đã nhận ra điều này: ta lên đường khi nào ta có thể và khi nào ta sẵn sàng nhất. Đương nhiên, sẽ có những thời điểm mà đường xá sẽ vắng vẻ hơn và các điểm du lịch ở châu Âu cũng vắng du khách hơn (mùa thấp điểm ở châu Âu là khoảng thời gian trước khi bắt đầu mùa hè, hoặc từ tháng 9 - 11 hàng năm). Nhưng nếu ta có thời gian và nếu có thể lên được kế hoạch cho các chuyến đi, khoảng thời gian lí tưởng nhất cũng phụ thuộc vào việc ta sẽ làm gì trong những chuyến đi. Khi ấy, chuyện thấp điểm hay cao điểm không còn quan trọng nữa, mà là chủ đề.

Chẳng hạn, tôi đi nghỉ ở các bãi biển vào mùa hè và những điểm được lựa chọn rất nhiều, đảo Corsica hoặc các bãi biển ở Nice (Pháp), đảo Sardegna và Sicilia (Italia), các bãi biển ở Ibiza và Mallorca (Tây Ban Nha). Xen kẽ trong những chuyến đi ấy là những lần ghé qua những thành phố nhỏ xinh đẹp của châu Âu. Vào mùa xuân, khoảng cuối tháng 4, tôi đi thăm lễ hội hoa ở Keukenhof (Hà Lan). Tôi thường tránh đi du lịch vào tháng 7, vì rất nóng. Nhưng vào tháng 8 hay tháng 9, tôi bay đi các nước Bắc Âu. Cuối năm, tôi dành cho những hành trình đi thăm các chợ Giáng sinh ở miền Bắc Ý, Áo hay Đức. Tôi rất hay đi những chuyến dài qua nhiều nước vào cuối năm - thường là những chuyến đi hàng nghìn cây số trong vòng một tuần trở lên. Hãy lên kế hoạch cụ thể, dự trù kĩ lưỡng và đừng quên nghiên cứu bản đồ trước khi lên đường.

KHÔNG THỂ THIẾU BẢN ĐỒ GIẤY

Rất nhiều người nói với tôi rằng, GPS là một phát minh siêu hạng giúp cánh lái xe đi lại chuẩn hơn, tốt hơn

và đưa chúng ta đến nơi cần đến. Tôi không phủ nhận điều này. GPS giúp người cầm lái hình dung ra đoạn đường, biết được độ cong của đường khi lái xe lúc trời tối, giúp chúng ta ước tính được thời điểm đến nơi ta đã định. GPS có thể chỉ đường ở nhiều nước châu Âu và thậm chí giúp chúng ta biết nơi nào có đặt trạm bắn tốc độ của cảnh sát, nơi nào hạn chế tốc độ bao nhiêu.

Nhưng nó không cho chúng ta hình dung ra cả một bức tranh rộng lớn và tổng thể hơn về hành trình. Việc nghiên cứu những cuốn bản đồ châu Âu (Nhà xuất bản Michelin là một chuyên gia về những tập bản đồ thế này) là một cách rất tốt để không chỉ lên kế hoạch hành trình cho chuyến đi một

cách thật chi tiết (ngủ ở đâu, ăn ở đâu, và các điểm thay thế là gì) mà còn giúp chúng ta định hướng và xác định trong đầu một bức tranh toàn cảnh về những tuyến đường ta sẽ qua, điểm đến ta sẽ tới và cả các tuyến đường dự phòng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong hoàn cảnh GPS không cập nhật đầy đủ và kịp thời thông tin về sửa đường (ví dụ thế), buộc ta phải tìm lộ trình khác. Tôi có một điều may mắn, người đồng hành luôn ngồi cạnh tôi trong các hành trình dài-chính là vợ tôi, đọc bản đồ rất giỏi. Cô ấy luôn cung cấp cho tôi các thông tin cần thiết về lộ trình sắp tới, về những nơi đã qua, các đường rẽ khi cần thiết. Kĩ năng đọc bản đồ là cực kì cần thiết trong hoàn cảnh ta đến một nơi nào đó GPS không hoạt động, không cập nhật, hoặc ta cần tìm các địa chỉ trong những thành phố mà ta chưa từng đến, đặc biệt là các nước Đông Âu và vùng Balkan ở Nam Âu.

CHÚ Ý TỚI NHỮNG CHI TIẾT NHỎ NHẶT NHẤT

Có một việc mà mọi lái xe đường dài roadtrip ở châu Âu rất chú ý: phí đường bộ và vignette cho đường cao tốc. Trước khi tiến hành các chuyến đi, việc nghiên cứu xem nước nào thu phí đường bộ qua những trạm nào (và thu bao nhiêu tiền) là rất đáng làm. Sẽ có nước thu (thu cả tự động lẫn thu thủ công) như Ý, Pháp, nhưng có không ít nước thu tiền phí đường bộ bằng việc mua vignette ở các trạm nghỉ sát biên giới như Thuỵ Sĩ, Áo, Romania hay Slovenia… và dán vào kính bên phải xe. Việc này là bắt buộc, nếu không, bạn có thể bị nhắc nhở và tệ hơn, bị phạt. Vignette này được bán theo ngày, theo tuần hoặc theo năm, tuỳ quy định của mỗi nước. Bạn cứ tìm thông tin trên internet là ra thôi.

Tôi còn làm một việc khác nữa: nghiên cứu giá xăng ở các nơi ta sẽ qua. Lên phương án đổ xăng với giá phù hợp không chỉ tiết kiệm, mà còn giúp chúng ta kiểm soát chi phí cho chuyến đi tốt hơn. Tương tự như thế, với tiền đường cao tốc. Việc dự trù kinh khí cho các chuyến đi không thể loại trừ việc tính toán sơ bộ các khoản chi này, chưa kể đến việc chúng ta cần tính toán sẽ nghỉ ở trạm nào dọc đường, nơi nghỉ lại có nhà hàng hoặc chỗ ăn ngoài trời hay không. Điều này có ích cho việc tạo không khí cho chuyến đi, giúp ta thư giãn và không bị căng thẳng do ngồi trong xe quá lâu. Tôi luôn duy trì tốc độ 100-110 km/h trên đường và dừng lại nghỉ sau khi mỗi đoạn đường

200 - 250 km.

Việc kiểm soát khi xe đi qua các nước trong hệ thống Schengen đã bị huỷ bỏ từ lâu, nhưng xe của bạn có thể bị cảnh sát nhập cư dừng lại bất cứ lúc nào để hỏi giấy tờ, thậm chí khám xét xe. Cứ để sẵn passport trong xe và bình tĩnh, vui vẻ khi bị chặn lại. Ngoài ra, hãy chuẩn bị một số xu euro nhất định để trả tiền ở các bãi đỗ xe trả tiền tự động trong các thành phố. Tuy nhiên, tôi luôn khuyên mọi người không để xe bên vỉa hè (trừ khi bạn cảm thấy cực kì chắc chắn về mức độ an ninh của khu vực đó, có nhiều cảnh sát hoặc camera), hãy đỗ trong các bãi xe công cộng có mái che. Xe có biển đăng kí không phải của nước sở tại rất gây chú ý cho các băng trộm vặt. Việc để xe trong garage ngầm có thể sẽ đắt hơn một chút, nhưng là cần thiết để tránh việc bị đập kính xe, lấy đồ. Khi rời xe, không nên để bất cứ thứ gì quý giá trong xe - dù là trong cốp, và không để các thứ bừa bộn trên ghế hoặc dưới chỗ để chân, tránh sự tò mò, chú ý của người lạ.

KKHÔNG CÓ CHUYẾN ĐI HOÀN HẢO, CHỈ CÓ CHUYẾN ĐI ĐÁNG NHỚ

hi bạn lạc đường trong một khu rừng rộng lớn hoặc tới một đường cụt mà GPS chưa cập nhật, hoặc tệ hơn, không thể đến kịp một điểm nào đó đã lên kế hoạch trước, đừng nghĩ rằng mọi chuyện đã hỏng và để cho cảm xúc của mình bị tác động. Không có một chuyến đi nào là hoàn hảo. Không có một hành trình nào mà không xảy ra những việc ta không thể lường trước. Nhưng những điều đó là một phần của những chuyến đi, một phần của cuộc sống. Và chính vì thế, đừng để những điều đó làm hỏng chuyến đi của bạn. Trên các hành trình châu Âu, tôi đã gặp đủ mọi chuyện trên đường: sắp hết xăng mà tìm mãi mới thấy một nơi bán, hỏng xe, đi lạc hoặc không tìm được nơi cần đến… Thế nên, cũng có lúc tôi cảm thấy lo sợ, lúc lại thất vọng, nhưng cuối cùng đọng lại chính là cảm giác thú vị của việc được trải qua những cung bậc cảm xúc khi chứng kiến sự không hoàn hảo của chuyến đi. Ta càng muốn chuyến đi hoàn hảo, thì khả năng thất bại càng cao. Quan trọng là thái độ ứng xử và xử lí của ta trong các hoàn cảnh. Sau rất nhiều chuyến đi ở châu Âu, tôi nhận ra rằng, những chuyến đi trở nên đáng yêu hơn chính vì nó không hoàn hảo. Và đừng quên rằng, sự ngẫu hứng là một yếu tố đặc biệt cho chuyến đi. Kết quả quan trọng nhất của mỗi chuyến đi là vui vẻ và thu được những trải nghiệm đáng giá.

 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??

Newspapers in English

Newspapers from Vietnam