Travellive

CHUYẾN “HÀNH HƯƠNG” TỚI Larung Gar CỦA MỘT KẺ NGOẠI ĐẠO

-

Tôi không phải một người sùng đạo hay quan tâm tới tôn giáo nào nhất định.

Tôi đơn giản là một người mê văn hoá, yêu du lịch, và luôn đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp. Vậy nên, Larung Gar là điểm đến dành cho tôi. Đây là Học viện Phật giáo lớn nhất thế giới, một nơi không chỉ dành riêng cho tu sĩ, không chỉ là điểm dừng chân đầy ao ước của những tín đồ Phật giáo, đó là nơi khiến tâm hồn tôi “dịu” lại sau những bấp bênh, như cách mà nhà soạn kịch nổi tiếng Hy Lạp - Menander - đã nói: “Văn hoá khiến tất cả con người trở nên dịu dàng” (“Culture makes all men gentle”).

Và rồi, tôi đã rời Hà Nội để tới Larung Gar - thánh địa Phật giáo.

HÀNH TRÌNH “VƯỢT BIÊN” ĐẦY GIAN NAN

Không kể tới việc khách nước ngoài bị hạn chế tham quan, quãng đường di chuyển tới Larung Gar cũng thật biết cách thử thách con người. Tôi bay tới Thành Đô, sau đó phải di chuyển bằng xe buýt qua Kangding, Garze mới tới được Larung Gar. Quãng đường trung chuyển lên tới 865 km, tức là bằng quãng đường đi ô tô từ Hà Nội vào tới Quảng Ngãi. Con đường xa xôi với đủ mọi cung bậc địa hình, từ những ngọn núi tuyết trắng phủ quanh năm tới cánh đồng hoa cải vàng dưới nắng, khi lên dốc lúc xuống đèo. Chúng tôi phải im lặng suốt quãng đường đi để “che giấu” mình là khách du lịch nước ngoài vì nếu cảnh sát phát hiện, rất có thể chúng tôi sẽ bị buộc phải quay lại Thành Đô. Thời gian để ở lại Larung Gar chỉ có một ngày, vậy nên chúng tôi tranh thủ nghỉ tại Sắc Đạt một đêm trước khi lên đường. Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm, chuẩn bị sẵn sàng và đợi tài xế địa phương tới đón. Khi đảm bảo an toàn, chủ khách sạn và tài xế ra hiệu cho chúng tôi nhanh chóng lên xe. Do dọc đường nhiều trạm kiểm tra dân phòng, anh tài xế người Tạng phải nhanh chóng đưa chúng tôi tới một con đường ngay sát chân núi, nhiệm vụ của chúng tôi là trekking đoạn đường 3km phía trước, còn anh sẽ đứng đợi ở đầu cầu bên kia. Trong cái lạnh giá buổi sáng sớm, chúng tôi cứ thế lẳng lặng đi ngang lưng chừng núi, vượt qua những phiến đá lớn, dọc bên đường rất nhiều tảng đá được khắc chữ Om mani Padmi hum và xếp quanh khe suối. Trong suốt chặng đường núi, chúng tôi gặp rất nhiều người bản địa. Dường như, họ không còn xa lạ với hình ảnh những vị khách bộ hành lạ mặt, nên luôn mỉm cười với chúng tôi thay cho lời chào. Quãng đường đi bộ tuy vất vả nhưng nghĩ tới mỗi bước chân sẽ đưa mình tới tới gần hơn với “thung lũng đỏ”, chúng tôi lại rảo bước chân. Khi gặp được anh tài xế ở đầu cầu bên kia, tôi mới thật sự yên tâm đôi chút. Nằm ở trên xe, khi đã vượt xa khỏi những trạm gác và nhớ lại cảm giác hồi hộp mình vừa trải qua, tôi cứ tưởng tượng bản thân như học trò khác của Đường Tăng, trải qua 81 kiếp nạn đi thỉnh kinh vậy. Và “chân kinh” của tôi thì đáng giá vô cùng. Đó là khoảnh khắc mở mắt và nhận ra mình đang ở một thung lũng ngập tràn sắc đỏ, vào lúc 8 giờ sáng, và trời vẫn đầy sao. Thật lạ lùng! Tôi hít một hơi thật sâu, lành lạnh, không khí ở đây mang một mùi rất đặc trưng – tựa như mùi của một ngôi chùa cổ, hay một đỉnh tháp nằm chênh vênh trên những bậc thang đá. Mùi của sự bình yên và thanh tịnh.

NHIỀU NGÔI NHÀ ĐỎ Ở ĐÂY ĐÃ BẮT ĐẦU BỊ DỠ BỎ TỪ CUỐI NĂM 2016, DO CHÍNH PHỦ TRUNG QUỐC MUỐN GIẢM THIỂU SỐ TU SĨ, NI CÔ TẠI ĐÂY VÀ NGĂN NGỪA HOẢ HOẠN DO HÀNG VẠN NGÔI NHÀ LARUNG GAR ĐỀU DỰNG BẰNG GỖ VÀ SAN SÁT NHAU. THAY VÀO ĐÓ, HỌ ĐÃ XÂY DỰNG MỘT KHU NHÀ MỚI KIÊN CỐ HƠN, NẰM SÁT NGAY BÊN CẠNH VÀ NHÌN VỀ PHÍA THUNG LŨNG. NHỮNG NGÔI NHÀ MỚI ĐƯỢC SƠN MÀU CAM, AN TOÀN VÀ SẠCH SẼ HƠN, THẾ NHƯNG KHÔNG NHIỀU TU SĨ MUỐN CHIA TAY LARUNG GAR ĐỂ TỚI NƠI Ở MỚI. THỜI ĐIỂM TÔI ĐI ĐÃ CÓ KHA KHÁ NGÔI NHÀ ĐỎ BỊ DỠ HOANG TÀN RỒI. VẬY NÊN, NẾU BẠN CÓ Ý ĐỊNH TỚI ĐÂY, THÌ HÃY TỚI NGAY TRƯỚC KHI THUNG LŨNG ĐỎ CHỈ CÒN LÀ MỘT KHOANH ĐỎ BÉ XÍU VÀ CON NGƯỜI THÌ TRỞ NÊN CẢNH GIÁC VỚI THẾ GIỚI BÊN NGOÀI.

CUỘC SỐNG TẠI “THUNG LŨNG ĐỎ”

Đúng 40 năm trước, năm 1980, Jigme Phuntsok - một vị lạt ma có sức ảnh hưởng rất lớn thời bấy giờ đã thành lập tu viện này, với mục đích đem lại nguồn sức sống mới cho Phật giáo Tây Tạng cũng như gửi gắm những điều tốt đẹp tới phần còn lại của thế giới. Ban đầu, nơi ở chỉ là những ẩn thất thiền định tường đất nhỏ để ngài nhập thất. Sau nhiều năm, học viện này đã phát triển đến nỗi thu hút hơn 40 ngàn tu sĩ, nữ tu. Cùng với đó, hàng chục ngàn ngôi nhà gỗ đỏ được dựng lên, tạo thành một thung lũng đỏ giữa những triền núi xanh bạt ngàn. Cảnh quan đặc biệt này là điểm khởi nguồn thu hút khách du lịch đến với Larung Gar. Nhưng chính nét văn hoá huyền bí nơi đây mới là thứ giữ chân họ ở lại, để rồi bất cứ ai trở về từ “thung lũng đỏ” đều nói rằng: Larung Gar là một nơi ai cũng nên đến một lần trong đời.

Cuộc sống và con người nơi đây thực sự rất đặc biệt. Họ sống trong một vòng tuần hoàn không đổi: Sáng tới học viện hành thiền, đọc kinh và nghiên cứu Phật giáo. Họ chỉ trở về nhà vào buổi hoàng hôn, tắm rửa và nấu cơm tối. Mọi người đều ăn chay trường. Họ đựng đồ ăn trong những chiếc túi chàm nhỏ, uống sữa đậu nành và hái bất cứ loại rau gì có thể nấu được trên đường về nhà. Ở đây, tất cả nhà vệ sinh đều công cộng. Họ chia nhau tắm rửa, giặt đồ và vệ sinh cá nhân. Cả vạn người không một ai cảm thấy bất tiện với cuộc sống “cộng đồng hoá” như vậy, họ kết nối và sẻ chia hoàn toàn.

NIỀM TIN BẤT DIỆT VÀO PHẬT GIÁO

Larung Gar nằm ở độ cao gần 4.000 m so với mực nước biển nên thời tiết ở đây vô cùng khắc nghiệt. Gió thốc theo từng đợt và tiết trời thì giá rét quanh năm. Ngoài việc mặc những lớp áo dày và làm nhà gỗ giữ nhiệt, cư dân Larung Gar sử dụng kinh Phật để sưởi ấm trái tim mình, và với họ, đó mới chính là cách chống chọi với mùa đông hữu hiệu nhất. Ngày tôi vào nơi này thì thời tiết khoảng -7oc. Mọi người

đều mặc một chiếc áo choàng lông thật dày, một tay cầm tràng hạt, một tay cầm chuyển kinh luân, miệng lẩm nhẩm và bước đi vội vã trong giá lạnh.

Trà táo đỏ ở đây có vị rất lạ, sau này về Việt Nam, dù đã thử rất nhiều nơi nhưng tôi chưa từng được nếm lại cảm giác đó một lần nữa. Có lẽ, sự khác biệt không phải ở hương vị, mà ở khoảnh khắc. Tôi đã uống trà khi đứng giữa thung lũng, bí mật quan sát cuộc sống ở Larung Gar, ngắm nhìn từng chấm đỏ đi lại trong tiết trời buốt giá. Trước đó, tôi từng nghe nói rất nhiều tới nghi lễ Tam bộ nhất bái của người Tây Tạng. Cứ ba bước chính niệm, họ lại để ngũ thể chạm đất, sau đó lạy một lạy. Trong thời tiết giá lạnh, không khí thì loãng, với những người ngoại đạo như tôi, việc đi lại đã là một khó khăn, vậy mà họ có thể hành lễ như vậy suốt một chặng đường dài, ngay cả khi không có ai chứng kiến hay những khi trời mưa gió. Có lẽ, đó chính là điều kì diệu của “tín ngưỡng”. Người Tây Tạng bái lạy hơn 100.000 lần trong đời, với họ “tam bộ nhất bái” là một trải nghiệm tâm linh, một hạnh nguyện. Và nếu có chết trên hành trình ấy, đó cũng là một sự ra đi thanh thản và ý nghĩa.

Tới chiều, trời hửng chút nắng. Thơ thẩn một mình nghe tiếng chuông chùa, nheo mắt nhìn một người đàn ông cùng con dê của mình trở về, tôi cứ nghĩ tới câu chuyện về một người cha đã bán hết đàn gia súc nhằm thực hiện ước nguyện hành hương “tam bộ nhất bái” về thánh địa Lhasa. Ông đã kiệt sức và chết trên con đường núi cô quạnh. Chờ mãi không thấy cha về, người con khi trưởng thành đã quyết tâm thực hiện ước nguyện của cha, “tam bộ nhất bái” trải qua bao đỉnh núi cao, qua bao thung lũng sâu của rặng Himalaya hùng vĩ để về đến được chùa Jokhang và dâng lên bàn thờ Phật lời khấn cầu hoàn thành sứ mạng đức tin thay người cha đã khuất. Niềm tin quả thực là một thứ gì đó “ghê gớm”, và cũng thật may mắn biết bao nhiêu với những ai còn đặt niềm tin vào cuộc sống và dốc lòng thực hiện nó.

 ??  ??
 ??  ??
 ??  ??

Newspapers in English

Newspapers from Vietnam